Truyện ngắn

Ông già hủi, cô con gái và những ba lô tiền

SƯƠNG NGUYỆT MINH 31/08/2024 10:00

Thời gian như ngừng trôi. Hình ảnh những ngày bị thương, sốt rét ở chòi coi rẫy, ông già hủi ngồi phơi tiền giữa rừng già... như dừng lại, mắc kẹt trong đầu, cứ ám ảnh suốt đời anh.

00:00

Minh họa truyện ngắn

Mưa rừng. Mưa thật hay mình mơ nhỉ?

Anh chập chờn phiêu du trong cơn mê. Nước lũ cuồn cuộn réo nữa kìa. Cành tươi, củi khô và các đoạn nứa tươi phạt vạt gốc lao phăm phăm theo dòng lũ. Đau nhói, như có vật gì sắc nhọn xuyên vào hông. Nhẹ bẫng. Bồng bềnh. Anh thấy mình đang rơi xuống vực sâu. “Tiền... tiền... Ba lô tiền...”. Anh hét lên nhưng không ai lao theo cứu anh, tiếng kêu chìm vào mưa rừng, thác lũ. Ngụp lặn. Sặc nước. Và vẫy vùng. Anh thấy mình như con cá mắc cạn, hơi thở cứ đuối dần, lịm dần...

Lại chập chờn. Mờ ảo...

Anh lướt rất nhanh điểm lại những gì đã xảy ra để đến nông nỗi này: Lĩnh tiền ở binh trạm. Tổ ba người chia nhau gùi. Gặp thám báo. Đánh nhau. Một người chết. Lạc rừng. Mưa rừng. Và lũ cuốn...

Rồi anh thấy mình đóng khố, một vòng băng bằng vải áo lót quanh hông và được đắp mảnh vải dù hơi mùi khói hun. Anh tỉnh táo hẳn, bên hông đau như người cứa dao sắc vào.

Cô gái đứng dậy vắt bộ quần áo mới hong lên vách liếp. Đôi vai trần. Tay dài thon thả, gương mặt hồng lên vì lửa mang sắc màu hoa đinh đang mọc bên bờ suối Lồ . Cô đi đến chỗ anh nằm. Một tay kéo gấu váy vén trên đầu gối để lộ hai bắp chân tròn, một tay cô vuốt mớ tóc xoăn đang thả tự nhiên che phủ một phần vầng trán cao. Đôi mắt tròn to, ngơ ngác và hoang dã. Bàn tay cô mát rười rượi đặt lên trán anh. Lúc này anh mới biết mình đang sốt. Anh lại chìm đi trong cơn mê...

Trong cơn mê, anh thấy mình đang ở trong kho chứa hàng Z. Hàng Z là những hòm tôn hàn thiếc có kẹp chì các đường ráp mối xung quanh và đóng đai rất chắc chất cao ở một góc kho. Gọi là kho nhưng thực ra là một hang đá sâu tự nhiên hơi tối. Người ta chiếu đèn pin vào hàng Z, bật nắp từng hòm tôn; hòm ký hiệu màu xanh đựng đô la xanh, hòm màu đỏ đựng đô la đỏ - một loại tiền chỉ dùng tiêu trong chiến tranh của quân đội Mỹ và hòm màu đen là tiền Riên của Campuchia, hòm màu nâu là tiền Việt Nam cộng hòa. Chỉ trong vài tiếng đồng hồ cái kho rỗng như nó chưa hề được chứa hàng Z - một thứ hàng quá đặc biệt không phải ai cũng biết được trong chiến tranh. Sau này, anh mới biết đó là tiền mà nhân dân miền Bắc chắt chiu từng đồng cân vàng đổi được bằng nhiều con đường khác nhau từ Phnom Pênh, Hồng Kông…, đưa vào miền Nam. Tiền được xếp trong hòm và chuyển theo đường dây 559 đến địa điểm cuối cùng thì được cấp phát cho các mặt trận, cho các Tỉnh đội. Những đồng tiền này sẽ được Ban Kinh tài các đơn vị đưa vào thành phố đổi ra tiền Việt Nam cộng hòa để mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, và vũ khí rồi lại chở lên.

Hôm sau. Hôm sau nữa, anh khoẻ hẳn lại. Nước lũ đã rút hết. Hai bờ suối còn đầy rêu rác, cỏ cây, cành tươi và củi mục. Mặc dù người còn rất yếu, anh vẫn cùng cô gái cố đi dọc hai bên bờ suối, sục vào bụi cây, hốc đá tìm ba lô tiền. Anh còn có cảm giác hình như có một bóng người nào đó đang lảng vảng, lẩn quất quanh đây và cố tình tránh gặp anh. Chồng cô gái? Không phải, chẳng người chồng nào để mặc vợ với chàng trai lạ trong chòi coi rẫy của mình.

Lúc tìm lúc nghỉ, anh trò chuyện với cô gái về một thời sinh viên dang dở rồi lên đường nhập ngũ, về những ngày đi bộ vượt Trường Sơn. Còn cô gái kể về buôn Hiên và anh biết tên cô là H’Linh. Buôn Hiên quá sâu trong rừng già, từ chòi coi rẫy về buôn đi hết hai giờ đồng hồ. Chiến tranh lẩn quất ở đâu đó chứ dường như chưa chịu đến nơi này. Những năm trước thỉnh thoảng có đoàn giao liên đi qua buôn. Họ cũng đội mũ tai bèo như anh. H’Linh bảo, cô chỉ còn người cha. Cô ở chòi coi rẫy vì đang mùa bẻ bắp. Thỉnh thoảng cô nói chêm vào một vài tiếng Kinh nghe lơ lớ, không rõ và cô cười, trông thật đáng yêu. Anh bảo với cô rằng, anh phải trở về đơn vị ngay. Mưa rừng lũ cuốn ba lô tiền rồi, anh không hy vọng tìm thấy nữa. Nước theo con suối này đổ ra sông La Hai. Anh nghĩ, cứ theo con suối này, sẽ tìm về được Ban Kinh tài của Tỉnh đội.

Đêm trước hôm chia tay có trăng.

Núi rừng La Hai đang mùa trăng tháng ba. Dường như trận mưa rừng mấy hôm trước làm cho bầu trời trong trẻo, tinh khiết hơn. Trăng ngằn ngặt sáng. Gió núi thổi nhẹ đủ để xao động lá rừng. Anh ngơ ngẩn ngắm nhìn vẻ đẹp huyền bí của đêm trăng và bất chợt anh bắt gặp H’Linh đang tắm đêm. Những đường cong lượn mềm mại, đôi vú nhô cao tròn như hai trái lê bằng vàng non. Cô đang ngửa mặt lên trời nhìn trăng, hai cánh tay vòng về sau, đưa bầu ngực đầy đặn cao lên loang loáng ánh vàng, tay cô quơ mái tóc buông thõng sau lưng. “Một bức tượng thần vũ nữ dưới trăng rừng”, anh buột miệng thốt lên. Cô đã túm tóc thành lọn và cô cầm chặt, cô xoã tung cho tóc mau khô, vô vàn những hạt nước nhỏ li ti bay như bụi mưa rơi trên lá rừng, rơi trên mặt, trên cổ, vai anh...

Anh về đến đơn vị đúng lúc người ta đang làm lễ truy điệu anh cùng một người nữa trong tổ gùi tiền. Ba cái ba lô tiền, không có cái nào về đến nơi, lại tổn thất thêm người. Mất mát quá lớn.

Các anh vào trận cuối cùng. Quân đi thần tốc. Ngày cũng đi, đêm cũng đi, đơn vị anh về đến đồng bằng. Giải phóng xong, anh làm quân quản. Công việc của những ngày đầu giải phóng quá bận rộn với bao nhiêu việc không tên và có tên. Công việc cuốn hút anh đi, thoáng cái đã mấy năm, anh được xuất ngũ ra ngoài Bắc học tiếp đại học. Anh tìm về cánh rừng buôn Hiên, tìm về với H’Linh.

Vẫn con suối cũ. Vẫn cánh rừng xưa. Cô không kịp xuống gùi, anh và cô lao vào ôm lấy nhau. Mùi bắp non, mùi hương lá ngáng, mùi da thịt của cô đây rồi. Hổn hển và gấp gáp. Vòng tay xiết chặt vòng tay. Tưởng như xa nhau một ngàn con trăng rồi giờ mới gặp lại. Nước mắt H’Linh thấm ướt vai áo anh…

Trên đường từ rẫy bắp về chòi, H’Linh lại vui hớn hở. Cô trẻ trung, hồn nhiên, cười nói như đứa trẻ lâu ngày gặp mẹ. Cô vịn vào vai anh, cô nũng nịu và cô bảo, ngày nào, con trăng nào cô cũng nhớ về anh...

Anh còn nhớ trên đường từ rẫy bắp về chòi thì bắt gặp ông già ngồi ở bên hốc cây đang kẹp hai ngón cụt nhặt từng đồng tiền phơi trên cỏ cho vào ba lô. Anh đã nhận ra chiếc ba lô có ghi tên mình trên nắp và hai quai. Ngạc nhiên và kinh sợ vì nhận ra chiếc ba lô và vì ông già tàn tật. Ông già không phải là người bình thường, mặt sần sùi, từng đám da đóng vảy trắng xen lẫn đám đỏ bợt. Tay trái và chân cụt hết ngón, đang lở loét, bàn tay bên phải chỉ còn hai đốt nhô ra như hai mẩu xương thừa. Ông già nhìn anh bằng con mắt vô hồn, bạc phếch. Anh thoáng bắt gặp ánh mắt H’Linh hoảng hốt nhìn anh, mặt cô trắng bệch ra...

Đêm ấy, H’Linh khóc và kể với anh tất cả mọi điều. Thì ra mẹ cô chết, cha bị bệnh hủi. Người buôn Hiên mà mắc bệnh hủi là coi như bị loại khỏi cộng đồng con người, bị buôn làng xua đuổi. H’Linh và cha phải chạy trốn khỏi buôn tìm nơi xa vắng làm rẫy và nuôi nhau. Cha con cô dựng một cái chòi coi rẫy. Cha thương cô, cha khoét rộng cái hốc cây, lúc nào bệnh nặng, cha ra đó ở. Cha con cô đã vớt anh, cứu anh trong cơn mưa rừng lũ cuốn dạo ấy. Điều anh linh cảm lúc đó là có thật, cha cô cứ lảng vảng, quanh quẩn bên con gái, bên người gặp nạn mà không dám xuất đầu lộ diện. Còn ba lô tiền, khi anh đã đi mấy ngày, cha cô lấy được trên một lùm cây, lũ cuốn tít lên đó, nó mắc lại và bị ướt. Hai cha con mở ba lô ra, lấy tiền phơi khô chờ ngày anh quay lại lấy. Một ngày mong, một tháng mong, ba, bốn tháng đợi, rồi năm lại năm chờ anh quay trở lại. Cha cô sợ ẩm ướt, thỉnh thoảng cha lại mang tiền ra phơi.

Anh không thể nói gì hơn được nữa. Thời gian vèo trôi, đã mấy lần Nhà nước đổi tiền, ba lô tiền Việt Nam cộng hòa chẳng còn giá trị nữa. Anh chỉ biết vòng tay ôm trọn H’Linh vào ngực. Anh thấy trong lòng da diết quá, cứ trào lên rồi lắng lại. Vẫn ngồi bên nhau bên bếp lửa giữa chòi coi rẫy. Vẫn những chuyện của mấy năm trước ôn lại. Ngồi bên anh mà H’Linh thoắt vui, thoắt buồn. Có lúc cô ngẩn ngơ, sững sờ bởi hạnh phúc như thể trên trời bất chợt rơi xuống, lúc lại buồn thẫn thờ và thở dài chẳng rõ nguyên cớ gì. Anh nhận ra một thoáng mơ hồ sợ hãi đọng trong đôi mắt to, tròn, hoang dã của H’Linh...

Rồi cũng đến lúc anh và H’Linh lại quấn quýt vào nhau. Người cô nóng ran, hơi thở cô gấp gáp, cô gục người hẳn vào lòng anh. Người anh cũng nóng rừng rực. Anh bế thốc cô lên chõng tre. Bất chợt có tiếng cành khô rơi bên ngoài chòi. Anh chợt tỉnh ra. Bóng ông già cụt ngón tay, ngón chân và từng đám da đỏ bợt lại lẩn quất trong đầu. Người anh mềm nhũn, đổ kềnh xuống chõng. H’Linh ôm mặt quay vào vách liếp nức nở, cô khóc như chưa bao giờ phải khóc...

Khi anh tỉnh dậy thì ánh nắng mặt trời đã xuyên qua kẽ lá. Chòi coi rẫy vắng vẻ và trống trơn. Không thấy H’Linh, chẳng thấy bát quân dụng tráng men, thìa nhôm, dao... và váy áo cô cũng biến mất. Bên cạnh anh là cái ba lô đựng tiền dạo trước đã buộc kỹ càng. Anh vội vàng chạy ra bờ suối, anh chạy ngược, chạy xuôi, anh đi đến chỗ cây cổ thụ. Hốc cây trống rỗng, chỉ còn một thoáng hơi người. Anh nằm vật bên gốc cây, lưng anh đè lên sỏi, lên kiến rừng. Anh nhìn lên vòm lá xanh thẫm và cảm thấy thân thể rã rời, trong lòng cô đơn, hoang vắng đến vô cùng...

Anh không có dịp nào quay trở lại cánh rừng buôn Hiên nữa, quay lại chắc gì đã gặp H’Linh giữa mênh mông đại ngàn.

Lúc quên, lúc nhớ một thời đi qua chiến tranh, nhưng khi hình ảnh H’Linh xuất hiện trong đầu là anh lại mất ngủ. Thời gian như ngừng trôi. Hình ảnh những ngày bị thương, sốt rét ở chòi coi rẫy, ông già hủi ngồi phơi tiền giữa rừng già... như dừng lại, mắc kẹt trong đầu, cứ ám ảnh suốt đời anh.

SƯƠNG NGUYỆT MINH
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ông già hủi, cô con gái và những ba lô tiền