Chọn sách giáo khoa: Cuộc chơi không công bằng

08/12/2019 08:59

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra văn bản hướng dẫn chọn sách giáo khoa (SGK), còn chọn thế nào là việc của địa phương, cụ thể là của mỗi trường.


Một số mẫu sách giáo khoa

"Quả bóng" đang được đặt vào chân giáo viên, phụ huynh, hiệu trưởng các trường. Trách nhiệm trong việc lựa chọn sSGK thuộc về lãnh đạo trường và hội đồng chọn sách.

Nhưng ai dám chắc họ có thực quyền trong câu chuyện này?

Lần đầu tiên SGK có một thị trường đúng nghĩa, với sự xuất hiện của nhiều đơn vị cùng cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần cung cấp SGK cho các trường.

Câu chuyện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh nhận thù lao và tham gia quá trình biên soạn 1 trong 4 bộ SGK của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ là một trong nhiều dấu hiệu cạnh tranh nhằm có được ưu thế trong việc phát hành sách giáo khoa .

Nghị quyết 88/QH, Luật Giáo dục 2019 và thông tư quy định về việc biên soạn, thẩm định SGK không có dòng nào cấm cơ quan quản lý nhà nước tham gia biên soạn SGK. Và hiện Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng đang dựa vào điều này để cho rằng việc họ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh để biên soạn 1 bộ SGK là không phạm luật.

Lãnh đạo, cán bộ trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh ký nhận thù lao và đăng đàn giới thiệu về bộ SGK "phối hợp" công khai, cũng vì họ cho rằng mình không phạm luật.

Nhưng thực tế đang diễn ra cho thấy khi việc chọn SGK đưa về địa phương, dù là do trường quyết hay tỉnh quyết thì cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh đứng ra phối hợp biên soạn SGK cũng sẽ không khách quan. Nhất là khi cơ quan đó là sở giáo dục và đào tạo, do lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm.

Về mặt thủ tục, các trường tại TP Hồ Chí Minh dù có làm đúng quy định chọn SGK nhưng cũng khó có thể khách quan, nói cách khác không hoàn toàn có thực quyền lựa chọn sách trong tình huống có bộ SGK của sở giáo dục và đào tạo tham gia. Quả bóng trong chân họ, nhưng người chỉ đạo, gợi ý, định hướng có thể ở nơi khác. Thậm chí không tác động gì cả nhưng tâm lý cấp dưới nể sợ cấp trên cũng khiến các trường đau đầu và để an toàn là chọn "sách nhà".

Không phải không có cơ sở khi nhiều người cho rằng "TP Hồ Chí Minh đã chọn xong sách mà không cần chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn"(!?).

Trong suốt thời gian Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh tham gia biên soạn, gửi thẩm định và giới thiệu bộ SGK Chân trời sáng tạo công khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo không hề có ý kiến. Trong cuộc họp công bố SGK được phê duyệt, đại diện bộ vẫn khẳng định "không có bộ SGK nào do sở giáo dục và đào tạo tham gia". Đây là sự tắc trách hay cố tình lờ đi?

Sở và nhà xuất bản cho rằng mình "không phạm luật" để dấn vào một cuộc đua mà họ nắm được ưu thế trong phát hành trên địa bàn do sở phụ trách. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có thể dựa vào cái lý "chọn SGK là việc của địa phương" để vô can. Để bảo đảm tính minh bạch, công bằng trong cạnh tranh giữa các đơn vị biên soạn SGK trong tình huống này cần phải có một hành lang pháp lý đủ vững và cũng cần sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước.

Điều này có nghĩa cơ quan quản lý nhà nước không chỉ ra văn bản là xem như xong, đá quả bóng sang sân địa phương.

Năm đầu tiên thực hiện "một chương trình, nhiều SGK" đã nảy sinh rất nhiều vấn đề mà luật không "phủ sóng" đến được, đòi hỏi phải có giám sát, rút kinh nghiệm, điều chỉnh và xử lý kịp thời.

Giọt dầu từ TP Hồ Chí Minh hôm nay có thể loang rộng ở nhiều nơi khác nếu cơ quan quản lý nhà nước vẫn đứng ngoài, để cho các nhóm lợi ích được hình thành tại địa phương chi phối việc chọn SGK.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Chọn sách giáo khoa: Cuộc chơi không công bằng