"Chọn mặt gửi vàng"

12/05/2020 09:04

Làm sao "chọn được mặt để gửi vàng" là vấn đề của cả những người làm công tác nhân sự và của cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân.

Dường như đã thành quy luật, cứ đến thời điểm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp là lượng đơn thư tố cáo về cán bộ lại tăng. Chỗ này có cán bộ bị tố chưa có bằng THPT, chỗ khác lại có cán bộ bị tố có vi phạm nhưng vẫn cố tình đưa vào danh sách bầu cử và trúng cử...

Những lá đơn ấy cho thấy hai vấn đề. Một là, cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm đến công tác cán bộ, nhất là nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp. Đây là lẽ thường và cũng là chuyện đáng mừng, vì khi người dân còn quan tâm, chứng tỏ họ còn kỳ vọng và tin tưởng vào đội ngũ lãnh đạo các cấp, mong muốn chọn được người xứng đáng gánh vác việc dân, việc Đảng. Vấn đề thứ hai là công tác nhân sự ở một số nơi đang bộc lộ những hạn chế, có dấu hiệu để lọt những người chưa thật sự đủ tài, đủ đức vào cấp ủy. Tất nhiên cũng không loại trừ việc lợi dụng đơn thư nhằm hạ thấp uy tín cán bộ vì động cơ cá nhân không trong sáng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong bài viết mới đây về công tác nhân sự đại hội nhấn mạnh phải có "con mắt tinh đời" trong đánh giá, lựa chọn và giới thiệu cán bộ vào cấp ủy. Nói cách khác là phải biết "chọn mặt gửi vàng". Chọn như thế nào, các tiêu chuẩn cán bộ đã được quy định rõ trong các văn bản của Đảng, đặc biệt là trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Vấn đề là tổ chức, người làm công tác nhân sự có thật sự công tâm, khách quan hay không, đảng viên có sáng suốt lựa chọn khi tham gia bỏ phiếu bầu cấp ủy hay không?

Tôi đã nghe chuyện có nơi đảng viên vi phạm quy định, vừa bị kỷ luật vì sinh con thứ ba vẫn được giới thiệu vào cấp ủy và trúng cử... Thực tế đó cho thấy rõ ràng vẫn còn có nơi chưa thực sự làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự.

Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm nêu: "không được luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng và Nhà nước đối với đảng viên đang được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật". Một số người cho rằng như vậy, nếu đảng viên vi phạm đang bị xem xét, thi hành kỷ luật thì sẽ không được giới thiệu tham gia cấp ủy lần đầu vì vào cấp ủy là "thăng chức", còn các trường hợp tái cử thì có bị kỷ luật vẫn giới thiệu cũng không sao...      

Quan niệm này hết sức sai lầm vì Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị nêu rõ "không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm...". Đảng viên, nhất là cấp ủy viên vi phạm đến mức phải kỷ luật không thể coi là gương mẫu để giới thiệu tham gia cấp ủy khóa mới.

Làm sao "chọn được mặt để gửi vàng" là vấn đề của cả những người làm công tác nhân sự và của cán bộ, đảng viên cũng như quần chúng nhân dân. Ngay từ khâu chuẩn bị, cần đánh giá khách quan, toàn diện về nhân sự dự kiến giới thiệu vào cấp ủy khóa mới, lắng nghe ý kiến từ nhiều phía, đặc biệt là từ quần chúng nhân dân ở nơi công tác, nơi cư trú đối với cán bộ. Kiên quyết không giới thiệu những người có vi phạm hoặc đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật vào cấp ủy.

    HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Chọn mặt gửi vàng"