Lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này.
Lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này
Là mạng xã hội non trẻ đang phát triển như vũ bão khắp thế giới, có lúc còn lấn lướt cả các mạng “đàn anh” như Facebook, Instagram, không thể phủ nhận TikTok sở hữu nhiều lợi thế với những video ngắn, nền nhạc sôi động, mở ra nhiều xu hướng trẻ trung, cuốn hút, dễ thực hiện.
Nhưng bên cạnh đó, mạng xã hội này cũng là nơi lan truyền những nội dung độc hại, không chỉ gây nguy hiểm tới sức khoẻ thể chất như đã nêu trên, mà còn tác động xấu tới nhận thức, lối sống của người dùng, đặc biệt là với thế hệ thanh thiếu niên, vốn là lực lượng “fan cứng” đông đảo của TikTok. Những trào lưu như “Nake Challenge” (thử thách khoả thân), “lắc hông”, “vạch áo khoe ngực”, “sex joke” (đùa liên quan đến tình dục) không còn dừng lại ở sự vui đùa, mà có thể cổ suý cho lối sống phóng túng, phản cảm, rất nguy hại với người dùng trẻ.
Lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này. TikTok giúp cho nhiều bạn trẻ dễ dàng nổi tiếng “sau một đêm”, có thu nhập “khủng” từ việc sản xuất nội dung. Đây cũng là nguyên nhân khiến mạng xã hội này thu hút một bộ phận giới trẻ lao vào làm nội dung để câu view bằng mọi giá bằng những hình ảnh lệch lạc, phát ngôn “gây sốc”, phản cảm. Những nội dung đó có thể khởi xướng trend (xu hướng) mới, lôi kéo lượng lớn người tham gia rất nhanh.
Với sự phát triển mạnh mẽ như vậy, các em ở độ tuổi học sinh rất có thể bị rơi vào “mê trận” của những video “bẩn” không được sàng lọc. Không khó khăn để tìm thấy những video có nội dung “người lớn” trên TikTok. Đó là những clip mà người đăng tải cố tình khoe những điểm nhạy cảm trên cơ thể, nhảy những điệu khêu gợi, gợi dục, và điều nguy hiểm là tác giả của chúng có khi là những bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Bị tiêm nhiễm bởi những thứ độc hại, chính các em đã bắt chước và có nguy cơ tự gây hại cho mình trước tội phạm tình dục.
TikTok cũng là nơi giới trẻ dễ dàng học nhiều chiêu trò gian lận. Còn nhớ trong thời kỳ giãn cách do Covid-19, một TikToker (người chơi TikTok) có đến 1 triệu người theo dõi đã đăng tải video hướng dẫn học sinh cách gian lận khi học online như che camera mà giáo viên không biết, giới thiệu trang web chỉ cần dán đề bài là có ngay đáp án. Những nội dung như vậy càng gieo rắc cho học sinh tâm lý lười biếng, gian lận.
Tất nhiên, những nội dung độc hại vẫn bị để lọt trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác, không riêng gì TikTok, nhưng điều cần lưu ý ở đây là kiểu video ngắn trên TikTok dễ dàng lan truyền với tốc độ khủng khiếp và nhắm chủ yếu đến nhóm người dùng trẻ. Theo báo cáo tiêu chuẩn cộng đồng của TikTok vào cuối năm 2021, mạng xã hội này đã xóa hàng triệu video vi phạm liên quan đến bạo lực, khiêu dâm, tự gây hại... Tuy nhiên, không ít trào lưu độc hại vẫn đang diễn ra mà nền tảng không kiểm soát hết được. Một khi không kiểm soát được thì trẻ em là nhóm đối tượng gặp nguy hiểm đầu tiên. Ở lứa tuổi này, các em chưa có sự phát triển nhận thức đúng đắn, dễ tiếp thu cái mới, vui lạ và thích khẳng định mình. Trong khi đó, những clip trên TikTok thì có đầy đủ các tiêu chuẩn để cuốn hút và gây ảnh hưởng tới các em - video tích cực, sẽ tạo ra phản ứng tích cực, mà độc hại thì cũng kích thích phản ứng độc hại.
Trong khi các công cụ ngăn chặn, kiểm duyệt từ phía cơ quan chức năng và nhà phát triển ứng dụng còn để lọt nhiều khe hở thì trước hết mỗi gia đình cần trang bị những công cụ bảo vệ một cách tích cực với con em mình. Vai trò của các bậc phụ huynh và người giám hộ là vô cùng quan trọng để hướng các em đến một không gian mạng lành mạnh, mang lại nhiều lợi ích.
THU HẰNG