Với đề xuất của Bộ Y tế cho F1 được làm việc trực tiếp, hầu hết các chuyên gia dịch tễ đều đồng tình nhưng cũng cần phân loại F1 để thích ứng linh hoạt.
Một khu trọ công nhân ở phường Hiệp Thành (quận 12, TP Hồ Chí Minh) từng có nhiều người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà - Ảnh: NHẬT THỊNH
Trong hướng dẫn cách ly và điều trị COVID-19 của Bộ Y tế, thời gian cách ly tại nhà của F1 hiện nay là 5 ngày với người đã tiêm đủ liều vaccine và 7 ngày với người chưa tiêm đủ liều. Tuy nhiên, mới đây, bộ đã đề xuất chuyển F1 sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm thay vì cách ly.
Đồng thời, F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến; nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.
Đề xuất này là một tín hiệu đáng mừng cho lực lượng lao động tại các công ty, doanh nghiệp. Làm việc ở một công ty may mặc tại quận 7, chị Kim Chi (37 tuổi) cho biết bản thân đã nhiều lần trở thành F1 và phải nghỉ việc thường xuyên.
“Công nhân chung một chuyền hết người này tới người kia dương tính, mình cũng phải nghỉ việc tự cách ly tại nhà dù không có triệu chứng gì, khiến thu nhập cũng không còn đủ chi tiêu. Nếu cho phép F1 có thể được đi làm thì hợp lý”, chị Chi chia sẻ.
Một trong các chuyên gia đồng tình với đề xuất, PGS.TS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Việt Nam - cho biết với tình hình dịch bệnh hiện tại, số lượng bệnh nhân F0 đã quá nhiều, việc cho F1 được tham gia làm việc trực tiếp là điều phù hợp.
“Một bệnh nhân F0 có thể tiếp xúc và khiến nhiều người thành F1, nếu cứ cho F1 cách ly tại nhà thì nền kinh tế của nước ta chắc chắn sẽ thiếu hụt một số lượng lớn lực lượng lao động”, bà Thư nói.
Theo bà Thư, nếu cho F1 đi làm trực tiếp thì bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc cụ thể của ngành y tế đưa ra. F1 phải xét nghiệm vào ngày thứ 5, luôn tuân thủ 5K, không tiếp xúc với người nguy cơ cao (người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người có bệnh nền...).
Một chuyên gia dịch tễ khác cũng cho biết thêm, dù đã có những quy định về việc xác định đối tượng F1 nhưng cũng có thể rất nhiều người vẫn còn xác định sai. Chính vì vậy, không phải tất cả F1 đều có nguy cơ lây nhiễm cao như nhau, việc tiêm đủ vaccine đã hạn chế rất nhiều.
“Tôi nghĩ là F1 cứ tiêm vaccine từ 2 mũi trở lên thì nên cho phép đi làm trực tiếp, F1 chưa tiêm thì nên cân nhắc tùy từng địa phương, từng môi trường làm việc mà áp dụng linh hoạt. Vùng dịch phức tạp thì số lượng F1 khá cao có thể xem xét cho đi làm tránh thiếu hụt lao động, còn ở nơi ít ca nhiễm, bảo đảm nhân lực thì nên để F1 làm trực tuyến nhằm tránh dịch bùng lên”, vị chuyên gia này cho hay.
Theo Tuổi trẻ