Chờ được... tốn thêm tiền

02/08/2023 09:17

Trước thông tin tăng lệ phí sát hạch giấy phép lái xe, nhiều người ở Hải Dương chỉ băn khoăn không biết bao giờ mình mới được tốn thêm khoản tiền này?

Học viên thực hành tại Trung tâm Kỹ thuật -  tổng hợp - hướng nghiệp - dạy nghề tư thục Kim Thành

Từ ngày 1.8, lệ phí sát hạch để cấp giấy phép lái xe tất cả các hạng sẽ tăng theo quy định của Thông tư số 37/2023/TT-BTC ngày 7.6.2023 của Bộ Tài chính. Mức thu mới sẽ tăng từ 10-50%. Nghe mức tăng này có vẻ cao, nhưng thực tế không đáng bao nhiêu. Đối với thi sát hạch giấy phép lái xe ô tô (hạng xe B1, B2, C, D, E, F), phí sát hạch lý thuyết là 100.000 đồng/lần, tăng 10.000 đồng; sát hạch thực hành trong hình 350.000 đồng/lần, tăng 50.000 đồng; sát hạch thực hành trên đường giao thông 80.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng/lần. Ngoài ra có bổ sung thêm phí sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông là 100.000 đồng/lần (quy định cũ chưa có nội dung này).

So với tổng chi phí phải bỏ ra cho cả quá trình học, thi lấy giấy phép lái xe ô tô khoảng 12-15 triệu đồng thì mức phí vài chục, vài trăm nghìn đồng tăng thêm là rất nhỏ. Điều mà nhiều người ở Hải Dương đang lo lắng là bao giờ mới được tốn thêm khoản tiền này? Vì thực tế thời gian qua, nhiều người phải mỏi mòn chờ được học và thi sát hạch giấy phép lái xe. Thậm chí có người đã mua được xe ô tô nhưng vẫn phải thuê người lái hoặc đi xe dịch vụ vì không có giấy phép lái xe.

Nguyên nhân do trong tháng 6, Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã xử phạt 4 cơ sở đào tạo lái xe, đình chỉ tuyển sinh do có những vi phạm trong đào tạo, sát hạch lái xe (3 cơ sở bị đình chỉ trong 3 tháng, 1 trung tâm bị đình chỉ 4 tháng).

Thực trạng này khiến cho nhiều người ở Hải Dương dù đã đóng tiền nhưng vẫn chưa được các trung tâm dạy lái xe sắp xếp lịch học. Việc thi sát hạch để cấp giấy phép cũng bị chậm trễ. Có người đã học đủ các học phần, thi tốt nghiệp nhưng cũng chưa được sát hạch để cấp bằng.

Việc một số cơ sở đào tạo lái xe bị đình chỉ ảnh hưởng tới các học viên đang theo học và giải pháp để khắc phục tình trạng trên, đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân cũng là vấn đề được đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Tùng tại Kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XVII vừa qua. Trả lời chất vấn, ông Tùng cho biết Hải Dương có 7 cơ sở đào tạo giấy phép lái xe ô tô, mô tô, trong đó có 4 cơ sở tư nhân. Mỗi năm, các cơ sở có thể đào tạo được 35.000 học viên học lái xe ô tô và 22.000 học viên học lái xe máy, cơ bản đáp ứng yêu cầu của người dân. Năm 2023, khoảng 20.000 người có nhu cầu học lái xe ô tô và 17.000 học viên học lái xe mô tô hạng A1. Tính đến trước tháng 7, việc các cơ sở bị đình chỉ, rút giấy phép hoạt động khiến tồn đọng khoảng 11.000 học viên. Đến nay, các trung tâm này đã cơ bản khắc phục được hạn chế nên số trường hợp tồn đọng chưa được thi sát hạch không còn nhiều. Tuy nhiên, việc tuyển sinh những khóa mới thì vẫn phải chờ thêm.

Được biết, khó khăn trong việc đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe không chỉ xảy ra ở Hải Dương mà còn ở nhiều nơi trong cả nước. Không biết có phải vì vậy không mà gần đây một số trường hợp đã sử dụng giấy phép lái xe ô tô giả để lái xe. Trong 7 tháng năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông Hải Dương đã phát hiện, xử lý 4 trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả. Thậm chí có trường hợp lái xe khách sử dụng giấy phép lái xe giả.

KIM THANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ được... tốn thêm tiền
    ss