Bị chó nhà hàng xóm cắn vào gò má nhưng không tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại, gần một tháng sau, cháu bé 6 tuổi ở Quảng Trị tử vong.
Chiều 18.8, một lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) cho biết nạn nhân là cháu H.Đ.P. (sinh năm 2017, trú tại khóm 5, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa).
Theo thông tin ban đầu, sáng 13.8, cháu bé được đưa đến khám tại Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa trong tình trạng sốt cao 39 độ C, da nhợt nhạt, tức ngực khó thở, nhịp tim nhanh, sợ uống nước, vẻ mặt hoảng sợ.
Đến 16 giờ cùng ngày, bé được bác sĩ tại Trung tâm Y tế khuyến nghị chuyển lên tuyến trên nhưng người nhà không hợp tác chuyển tuyến mà xin đưa trẻ về nhà để điều trị bằng thuốc Đông y.
Đến 10 giờ 13 ngày 14.8, người nhà thấy cháu bé ngừng thở, tím tái nên đưa trở lại vào viện. Tuy nhiên, lúc vào viện, cháu bé đã ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn, chẩn đoán tử vong ngoại viện.
Ảnh minh họa
Qua điều tra yếu tố dịch tễ, cách thời điểm khởi phát bệnh 23 ngày (23.7), cháu bé bị chó nhà hàng xóm cắn ở gò má phải, không được đưa đi tiêm huyết thanh và vaccine kháng dại.
Người nhà xử lý vết thương bằng cách dùng nước lã rửa sạch vết cắn và dùng lá ớt đắp vào vết thương. Trong thời gian từ khi bị chó cắn cho đến ngày phát bệnh (12.8), cháu bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường.
Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa, bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương, lây truyền từ động vật sang người chủ yếu qua vết cắn của động vật mắc bệnh dại.
Bệnh có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong.
Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện quản lý chó, mèo theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Cụ thể, tiêm phòng 100% cho chó, mèo, khai báo chó, mèo nuôi với chính quyền địa phương, nuôi chó phải xích, nhốt, ra đường phải đeo rọ mõm.
Khi phát hiện trường hợp chó nghi dại, chó cắn nhiều người, hoặc nhiều chó, mèo trên địa bàn ốm, chết không rõ nguyên nhân, người dân cần báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan y tế hoặc thú y.
“Khi bị chó, mèo cắn người dân rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường, cồn, rượu, dầu gội, bột giặt... Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhằm hạn chế lượng virus xâm nhập vào cơ thể”, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa khuyến cáo.
Theo Vietnamnet