Sáp nhập, chia tách thôn, khu dân cư: Tổ chức đảng được sắp xếp như thế nào?

22/05/2019 16:00

Bên cạnh những thuận lợi, việc sắp xếp chi bộ các thôn, khu dân cư ở một số nơi vẫn có những xáo trộn cần thực hiện thận trọng.


Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau chia tách, sáp nhập, mỗi thôn, khu dân cư mới chỉ có một chi bộ. Trong ảnh: Sinh hoạt thường kỳ của một chi bộ khu dân cư ở thị trấn Thanh Hà (ảnh minh họa)

Từ ngày 1.6, cùng việc thành lập 164 thôn, khu dân cư (KDC) mới, ở mỗi thôn, KDC cũng sẽ chỉ có một chi bộ. Việc sắp xếp, kiện toàn các chi bộ không gây xáo trộn lớn nhưng cũng cần thực hiện thận trọng, tạo sự đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Những băn khoăn

Sau chia tách, sáp nhập, TP Hải Dương có tới 50 thôn, KDC được thành lập, nhiều nhất tỉnh. Nhiều chi bộ thôn, KDC đã sớm thống nhất nhận thức, sẵn sàng hoạt động theo địa bàn mới.

Ông Phan Tất Tiêu là Bí thư Chi bộ KDC 6, phường Trần Phú (TP Hải Dương) hơn 20 năm và ông đã ngỏ ý xin phép Đảng ủy phường cho thôi nhiệm vụ khi KDC mới đi vào hoạt động. KDC6 sẽ tách làm 2 phần, sáp nhập với các KDC 7 và 8 để thành lập các KDC mới. Chi bộ KDC gồm 17 đảng viên cũng sẽ tách ra và nhập về với các chi bộ mới. 3 đồng chí chi ủy viên, gồm cả ông Tiêu đều xin rút khỏi vị trí công tác trước khi về sinh hoạt với chi bộ mới. Ông Tiêu khẳng định đây chỉ là nguyện vọng cá nhân và cũng như các đảng viên khác, khi Đảng ủy phân công, các ông sẽ chấp hành nghiêm túc.

Ở KDC 12 và 13 phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương), cả 2 đồng chí Bí thư chi bộ đều sẵn sàng nhường nhiệm vụ cho nhau khi sáp nhập và thành lập KDC mới. Với gần 80 đảng viên của cả 2 chi bộ, ông Phạm Quang Triệu, Bí thư Chi bộ KDC 13 tin sau khi sáp nhập chi bộ mới sẽ hoạt động ổn định, nền nếp. Ông chỉ tiếc số chi ủy viên ở cả 2 chi bộ, trong đó có những đồng chí có năng lực, nhiệt tình, có khả năng đảm đương tốt công tác ở KDC.

Bên cạnh những thuận lợi, tại 164 thôn, KDC mới thành lập trong tỉnh, cũng có cán bộ, đảng viên bộc lộ băn khoăn, chưa đồng tình vì có nhân sự mới được bầu ra trong thời gian ngắn nay phải nghỉ công tác. Có chi ủy viên lo ngại sau khi sáp nhập, đảng viên của chi bộ ở thôn, KDC nhỏ, số lượng đảng viên ít sẽ lép vế so với chi bộ đông hơn. Vấn đề cục bộ địa phương cũng nhen nhóm trong tâm lý của một số ít đảng viên, đặc biệt ở khu vực nông thôn.

Sau sắp xếp lại các chi bộ tại các thôn, KDC mới cũng sẽ phát sinh những chi bộ có số lượng đảng viên rất đông. Vậy tổ chức sinh hoạt của chi bộ thế nào; làm sao để có cơ sở vật chất cho các chi bộ đông đảng viên sinh hoạt... Đặc biệt khó là việc giải được bài toán tìm người có đủ điều kiện để vừa là bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, KDC ở một số thôn, KDC có sự tương đồng với nhau về quy mô, số lượng, chất lượng, trình độ cán bộ, đảng viên...


  Các khu dân cư 6, 7, 8 phường Trần Phú (TP Hải Dương) sẽ chia tách, sáp nhập thành 2 khu dân cư mới  

Giải quyết từng vướng mắc

Hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cấp xã, lường trước những khó khăn, vướng mắc có thể sẽ phát sinh trong quá trình sắp xếp, kiện toàn các chi bộ theo thôn, KDC mới, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã đề nghị các huyện ủy, thành ủy kịp thời nắm bắt, báo cáo, phản ánh ngay để cùng phối hợp, giải quyết.

Ban Tổ chức các huyện ủy, thành ủy đã triển khai hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về sắp xếp, kiện toàn các chi bộ khi sáp nhập, chia tách các thôn, KDC. Hướng dẫn đã nêu 4 bước cụ thể cho Ban Chấp hành đảng bộ các xã, phường, thị trấn thực hiện đối với việc chia tách hoặc sáp nhập chi bộ thôn, KDC. Bước 1 là sau khi có quyết định về chia tách, hoặc sáp nhập thôn, KDC thì đảng ủy xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch chia tách, sáp nhập các chi bộ; chỉ đạo các chi bộ tổ chức hội nghị triển khai chủ trương chấm dứt hoạt động của chi bộ cũ và thành lập các chi bộ mới theo địa bàn thôn, KDC mới.

Bước 2, đối với việc chia tách, Đảng ủy xã, phường, thị trấn họp thảo luận, thống nhất về chủ trương chấm dứt hoạt động của chi bộ cũ, thành lập các chi bộ mới theo địa bàn thôn, KDC mới. Lập danh sách đảng viên của từng chi bộ mới được hình thành sau chia tách. Thảo luận tiêu chuẩn, điều kiện, số lượng, cơ cấu nhân sự của chi ủy viên, phó bí thư, bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn, KDC mới. Sau đó, dự kiến nhân sự các chức danh này trên cơ sở ưu tiên lựa chọn từ các đồng chí đang là cán bộ không chuyên trách của thôn, KDC cũ. Bước 3, Đảng ủy tổ chức hội nghị mở rộng thảo luận về cơ cấu, số lượng, nhân sự chi ủy, phó bí thư, bí thư chi bộ, trưởng thôn, phó trưởng thôn, KDC mới do Đảng ủy chuẩn bị; đồng thời đại diện lãnh đạo đảng ủy xã, phường, thị trấn gặp gỡ các nhân sự mới được dự kiến.

Đối với việc sáp nhập chi bộ, sau khi có quyết định sáp nhập thôn, KDC, đảng ủy xã, phường, thị trấn họp thảo luận, thống nhất về chủ trương chấm dứt hoạt động của các chi bộ cũ, thành lập chi bộ mới theo địa bàn thôn, KDC mới. Lập danh sách đảng viên của chi bộ mới bao gồm đảng viên của các chi bộ sáp nhập; dự kiến thành lập các tổ đảng (nếu thấy cần thiết). Sau bước 2 và 3 tương tự như đối với việc chia tách chi bộ thôn, KDC, đảng ủy các xã, phường, thị trấn tiến hành bước 4.  

Bước 4 đối với chia tách thôn, KDC là Đảng ủy tổ chức hội nghị thảo luận lần cuối, bỏ phiếu quyết định chấm dứt hoạt động của chi bộ cũ, thành lập các chi bộ mới; đối với sáp nhập là bỏ phiếu ra quyết định giải thể các chi bộ cũ, thành lập chi bộ mới sau sáp nhập. Đảng ủy chỉ định chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ mới; ra nghị quyết để UBND xã, phường, thị trấn chỉ định bí thư chi bộ làm trưởng thôn, KDC lâm thời. Sau đó, các chi bộ mới tổ chức hội nghị công bố các quyết định về kiện toàn tổ chức đảng và công tác cán bộ của chi bộ.   

THU MINH

(0) Bình luận
Sáp nhập, chia tách thôn, khu dân cư: Tổ chức đảng được sắp xếp như thế nào?