Những dấu ấn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Bài 4: Khắc phục bất cập về Quy định những điều đảng viên không được làm

16/10/2021 10:35

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội đó là thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII)  

Việc sửa đổi, bổ sung này được kỳ vọng khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới.

Góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII, 10 năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các biểu hiện suy thoái, tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm đã được nhận diện và có chế tài xử lý. Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1.11.2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm là một trong những quy định như vậy.

Theo đó, Quy định số 47-QĐ/TW nêu rõ 19 điều đảng viên không được làm. Trong đó, đảng viên không được nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng... Đảng viên cũng không được làm những việc mà pháp luật không cho phép; không cung cấp, để lộ, làm mất hoặc viết bài, đăng những thông tin, tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước hoặc những việc chưa được phép công bố...

Đồng chí Cao Văn Thống, Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định: Quy định 47-QĐ/TW là khung tiêu chuẩn để cán bộ lãnh đạo, đảng viên tự phê bình và phê bình, phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện bản thân trên hầu hết những lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội; là định hướng hành vi để đảng viên nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trong sinh hoạt đảng.

Mặt khác, nội dung Quy định 47- QĐ/TW là một hệ thống căn cứ, cơ sở, chế tài để ngăn chặn hành vi vi phạm, đồng thời thể hiện chủ trương mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng. Từ đó, mỗi đảng viên tự nhận thức được bản thân có trách nhiệm nêu gương thực hiện nghiêm chỉnh Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị của Ðảng và có nghĩa vụ chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước trên tinh thần “tự soi, tự sửa, tự chịu trách nhiệm và tự xử”.

Thực tế gần 10 năm vừa qua triển khai thực hiện cho thấy, quy định này là rất cần thiết; những nội dung của quy định đến nay cơ bản vẫn còn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là có tác dụng rất tốt trong việc cảnh tỉnh răn đe, xử lý kỷ luật đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm.

Cụ thể, tháng 10.2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp và xem xét những dấu hiệu vi phạm đối với đồng chí Chu Hảo, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tri thức. Kết luận nêu rõ: "Từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”. Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về những vi phạm, khuyết điểm của ông Chu Hảo chính là vì ông đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Và việc xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Hảo là Đảng kỷ luật một đảng viên đã vi phạm Điều lệ Đảng và Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Gần đây nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Ban Bí thư ngày 1.10 quyết định kỷ luật 9 tướng lĩnh Cảnh sát biển, trong đó khai trừ ra khỏi Đảng đối với thiếu tướng Lê Xuân Thanh và thiếu tướng Lê Văn Minh; cách chức trong Đảng 7 tướng lĩnh còn lại. Ban Bí thư cũng đã chỉ ra: “Một số cán bộ cấp tướng, người đứng đầu đã suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương, làm thất thoát, thiệt hại rất lớn tiền và tài sản của Nhà nước, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của tổ chức đảng, hình ảnh của Cảnh sát biển và Quân đội nhân dân Việt Nam, gây bức xúc dư luận xã hội…”

Đó chỉ là 2 trong số hàng vạn vụ việc đảng viên vi phạm Quy định những điều đảng viên không được làm và bị xử lý kỷ luật. Từ năm 2012 đến nay, đã có hơn 71.000 đảng viên bị xử lý, kỷ luật do vi phạm Quy định này. Trong đó có tới gần 1/3 liên quan đến các hành vi cố ý làm trái các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nghề cá Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XV cho rằng, Quy định 19 điều đảng viên không được làm đã phát huy tác dụng rất tốt trong việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng và giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiền phong gương mẫu của đảng viên, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng. Những điều trong Quy định đã giúp chúng ta nhận diện và xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm. Việc thực hiện Quy định này đã góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn

Tuy nhiên, đồng chí Cao Văn Thống, Uỷ viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra, so với tình hình thực tế hiện nay, quá trình thực hiện quy định vẫn còn có những hạn chế, bất cập. Đó là vẫn còn một số cấp ủy, nhất là ở cơ sở và đảng viên, kể cả cấp uỷ viên nhận thức chưa đầy đủ mục đích, yêu cầu, nội dung và tầm quan trọng của Quy định nên đã xảy ra vi phạm. Công tác kiểm tra, giám sát, nhất là ở cơ sở chưa thực hiện thường xuyên đối với đảng viên trong thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; không kịp thời phát hiện những khuyết điểm, vi phạm của đảng viên; khi phát hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm còn có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, không chủ động kiểm tra để xem xét, kết luận, xử lý đảng viên vi phạm một cách thoả đáng.

Cùng với đó, tính chiến đấu trong sinh hoạt Đảng, việc thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình của một số tổ chức đảng, đảng viên còn hạn chế. Việc xem xét, xử lý kỷ luật còn chưa kịp thời, nghiêm minh; có trường hợp xử lý kỷ luật chưa đúng mức với nội dung, tính chất, mức độ, tác hại của vi phạm, chưa đủ sức răn đe và giáo dục đảng viên…Mặt khác, trong quy định có một số điều không đủ rõ, có nội dung khó áp dụng gây khó khăn trong việc xem xét vi phạm của đảng viên.

Nói về quy định này trong thời điểm hiện nay, PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, Quy định 19 điều đảng viên không được làm ban hành năm 2011 đến nay cơ bản vẫn còn nguyên giá trị nhưng có những điều cần được phát triển, bởi sau 10 năm tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, tình hình quốc tế có những thay đổi nên Quy định cũng cần được sửa đổi cho phù hợp.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết xã hội luôn vận động và biến đổi không ngừng nên có một số nội dung không còn phù hợp. Điều này đã được Đảng ta nhận diện và đưa ra cho ý kiến, thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung quy định này tại Hội nghị Trung ương 4 là hết sức kịp thời và cần thiết.

"Ví dụ như vấn đề mê tín dị đoan; tổ chức, tham gia đánh bạc dưới mọi hình thức; sử dụng các chất ma túy và các tệ nạn xã hội khác... Những nội dung này đều được pháp luật cấm, mọi công dân, trong đó có đảng viên không được làm. Vì vậy, những nội dung này cần cân nhắc, nếu đưa vào quy định dễ dẫn đến sự trùng lắp", PGS.TS Lê Quốc Lý nêu quan điểm.

Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII vừa diễn ra tại Hà Nội đó là thảo luận, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1.11.2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Phát biểu tại phiên khai mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, trước yêu cầu mới, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thêm một số nội dung quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục một cách mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Ngoài ra, có một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có nội dung đến nay quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi thì cũng cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) 

Tổng Bí thư đề nghị các ủy viên Trung ương và các đại biểu tham dự hội nghị với kinh nghiệm và thực tiễn phong phú ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình đang công tác, đóng góp ý kiến cụ thể, thiết thực, có tính khả thi, sửa trực tiếp vào dự thảo quy định, tạo sự thống nhất cao trong Trung ương để ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm. Từ đó, đáp ứng yêu cầu chính xác, đầy đủ, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện và dễ kiểm tra, giám sát, góp phần điều chỉnh nhận thức và hành vi của đảng viên theo hướng tích cực, đúng đắn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong thời gian tới.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, ngày 7.10.2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ phải thực hiện nghiêm, có hiệu quả cụ thể hơn nữa quy định về những điều đảng viên không được làm. Trung ương đã bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện quy định này theo đúng tinh thần, nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, điều lệ của Đảng và pháp luật của Nhà nước. "Khắc phục bằng được những hạn chế, bất cập, thiếu sót trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đáp ứng được yêu cầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới", Tổng Bí thư nói.

Song, thiết nghĩ, quy định dù chi tiết, cụ thể thế nào cũng không thể bao phủ hết những diễn biến sinh động của cuộc sống. Vì vậy, điều quan trọng nhất là bản thân mỗi cán bộ, đảng viên cần nâng cao nhận thức, hiểu biết, chú trọng tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, lối sống, có khả năng điều chỉnh được hành vi, ứng xử được các tình huống để không vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Và như lời phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Tổng Bí thư: “Nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng, góp phần làm chuyển biến tình hình thật sự, có kết quả rõ ràng, cụ thể”. Đó cũng chính là cách xây dựng, chỉnh đốn Đảng một cách thiết thực nhất.

Theo dangcongsan.vn

--------------------------------------------------
Bài cuối: Điểm mới trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những dấu ấn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Bài 4: Khắc phục bất cập về Quy định những điều đảng viên không được làm