Những dấu ấn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Bài 2: Đột phá trong công tác xây dựng Đảng

14/10/2021 09:05

Trước khi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI được ban hành, có dư luận cho rằng, còn có những “vùng cấm”, những “tảng băng chìm” chưa được động tới, có những vụ việc nổi cộm kéo dài nhiều nhiệm kỳ chưa được giải quyết.


Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) tạo dấu ấn đậm nét khi ban hành Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, nhiều “đột phá” trong công tác xây dựng Đảng được giải quyết.

Lấy “ xây” làm chính

“Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”, đó chính là nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Khắc ghi lời Bác, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật”, phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng chỉnh đốn đảng. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI của Đảng về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã nêu 3 nội dung chủ yếu: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cũng là vấn đề cấp bách nhất. Nghị quyết cũng nhận định: Công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đồng thời Trung ương cũng đề ra 4 nhóm giải pháp đồng bộ để thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến cụ thể, thiết thực trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết đã được thể chế hoá, cụ thể hoá bằng các chỉ thị, kế hoạch, quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn của Trung ương tương đối kịp thời, đồng bộ và cụ thể, tạo cơ sở và điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, tổ chức thực hiện ở các cấp.

Cùng với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, những chỉ thị, kế hoạch, quyết định, quy định, quy chế, hướng dẫn được ban hành thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Trung ương, là dẹp tận gốc sự thoái hóa, biến chất những yếu kém của cán bộ, đảng viên; tăng cường lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Rất nhiều văn bản được ban hành như: Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14.5.2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1.11.2011 về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 45-QĐ/TW 1.11.2011 Về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 46-QĐ/TW ngày 1.11.2011 hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khoá XI; Quy định số 55-QĐ/TW ngày 10.1.2012 về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16.1.2012 về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Quy định số 68-QĐ/TW ngày 21.3.2012 ban hành Quy chế giám sát trong Đảng; Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25.5.2012 Về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 BCHTW (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30.3.2013 ban hành quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm; Quy định số 221-QĐ/TW ngày 30.12.2013 quy định trách nhiệm của các ban Đảng Trung ương tham gia giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Quy định số 243-QĐ/TW Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; Quy định số 263-QĐ/TW ngày 8.10.2014 Về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24.3.2015 Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030; Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7.12.2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng… góp phần hướng dẫn, điều chỉnh, quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Sau 5 năm thực hiện cho thấy: Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo thực hiện với quyết tâm chính trị cao và có những chủ trương, giải pháp rất cụ thể. Đây là một trong những nghị quyết về xây dựng Đảng được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể và rất quyết liệt. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, đã tạo một số chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng.

Từ chiếc xe cá nhân mang biển xanh của Trịnh Xuân Thanh, các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt và phanh phui ra nhiều vụ việc nghiêm trọng sau đó

Thứ nhất, qua học tập, quán triệt Nghị quyết, qua tự phê bình và phê bình, qua lấy ý kiến góp ý của cán bộ, đảng viên thì rõ ràng, nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên được nâng lên về tính cấp thiết phải chỉnh đốn Đảng, thấy rõ yêu cầu đặt ra là nếu không chỉnh đốn Đảng thì sẽ là nguy cơ đối với Đảng. Đây cũng là dịp để mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên nhìn nhận mình, soi xét bản thân mình, nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác trong việc thực hiện Nghị quyết.

Thứ hai, đợt tự phê bình và phê bình của tập thể, cá nhân theo Nghị quyết Trung ương 4 đã trở thành một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng, từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư đến từng cấp ủy, đảng viên đều tự nhìn nhận, soi xét lại mình, thấy mình có ưu điểm gì để tiếp tục phát huy; thấy mình còn tồn tại, khuyết điểm gì, thấy mình có biểu hiện gì của sự suy thoái để sửa chữa, khắc phục. Đặc biệt, qua đợt tự phê bình và phê bình cuối năm 2012, tất cả các cấp ủy và tổ chức Đảng, cũng như cán bộ, đảng viên đều đề ra kế hoạch tự sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và hiện nay vẫn đang tiếp tục thực hiện việc sửa chữa, khắc phục những khuyết điểm đã được kết luận sau tự phê bình và phê bình.

Thứ ba, qua tự phê bình và phê bình, qua đấu tranh và qua cả thanh tra, kiểm tra, giám sát trong Đảng cũng như của Nhà nước, chúng ta đã xử lý, kỷ luật một bộ phận đảng viên vi phạm. Năm 2012, kỷ luật gần 16.000 đảng viên, năm 2013,  kỷ luật hơn 21.000 đảng viên, năm 2014 kỷ luật hơn 17.000 đảng viên. Như vậy, ba năm vừa qua, riêng kỷ luật bằng các hình thức trên 50.000 đảng viên ở tất cả các cấp, từ cấp Trung ương, đến cấp tỉnh, cấp huyện và cơ sở, điều đó chứng minh rằng Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra: Một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống là hoàn toàn chính xác. Mà sự suy thoái này có ở tất cả các cấp.

Thứ tư, sau khi được kiện toàn tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo rất quyết liệt. Vì vậy, trong thời gian gần đây, nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp kéo dài đã được khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử công khai và với những bản án hết sức nghiêm khắc, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Hội nghị Trung ương 6 đã thảo luận và thông qua đề án quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Đây cũng là lần đầu tiên Ban chấp hành Trung ương thảo luận dân chủ, chi tiết về vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, thống nhất mục tiêu, yêu cầu, đối tượng, tiêu chuẩn và độ tuổi của cán bộ cấp chiến lược. Sau đó, Trung ương đã giới thiệu quy hoạch cán bộ cấp Trung ương khóa XII và các khóa tiếp theo. Từ đó, Bộ Chính trị đã quyết định tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp. Đây là việc rất mới mà Đảng ta đang làm.

Thứ năm, quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 được kết hợp chặt chẽ với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã đem lại một số kết quả cụ thể, thiết thực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường và đẩy mạnh hơn. Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập lại Ban Nội chính Trung ương; kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban và tập trung chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Do vậy, nhiều văn bản chỉ đạo về đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã được thể chế hóa bằng pháp luật; nhiều vụ việc tham nhũng lớn, nghiêm trọng và phức tạp kéo dài ở Trung ương và các địa phương đã sớm được điều tra, khởi tố, truy tố và xét xử công khai với những bản án nghiêm khắc dành cho các bị cáo, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng vào quyết tâm đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tạo nên bước chuyển chiến lược trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ đạo và điều hành, tạo những kết quả rõ nét trong thực tiễn

Như vậy, rõ ràng qua thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chúng ta đã góp phần đấu tranh ngăn chặn được một bước rất quan trọng về tình trạng suy thoái trong Đảng, góp phần làm cho Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn.

Phát biểu trong nhiều Hội nghị sơ kết, tổng kết về nội dung công tác xây dựng Đảng trong 10 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, chúng ta tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng, sửa chữa những khuyết điểm và tập trung xử lý những sai phạm vi phạm pháp luật Nhà nước, cùng với việc giáo dục, xây dựng tư tưởng phòng ngừa giữa xây và chống. Không chỉ nặng xây mà không chống, cũng không phải đi chống mà không xây. Đây là điểm nổi bật cần lưu ý.

Thực tế qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về Xây dựng Đảng cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại, tăng cường sự đoàn kết, củng cố niềm tin trong Đảng và Nhân dân. Qua đó, tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân và tăng cường sự đoàn kết, nhất trí “trên dưới một lòng”, “trước sau như một” để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đấu tranh trực diện, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái

Quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã chọn đúng nội dung quan trọng nhất để “đột phá” trong xây dựng Đảng đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tập trung trọng tâm cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đây là lĩnh vực được cho là "nhạy cảm" khó khăn. Có thể nói từ “chiếc xe biển xanh” của Trịnh Xuân Thanh năm 2016, “vết dầu loang” đã được các cơ quan chức năng truy theo và sau đó, hàng loạt những sai phạm tại Tập đoàn Dầu khí, Bộ Công thương được phanh phui, có những vụ việc, hiện nay vẫn đang tiếp tục xử lý.

Người dân bắt đầu tin rằng chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhiều vi phạm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của cán bộ, đảng viên, bất kể người đó là ai, trong lĩnh vực nào dần được xử lý nghiêm khắc, dứt điểm. Lần đầu tiên tình trạng “hoàng hôn nhiệm kỳ” không còn là “đường mòn” cho những cán bộ tham nhũng thực hiện “những chuyến tàu vét”. Nghỉ hưu hay là chuyển công tác không còn là bến đỗ an toàn.

Những kết quả đạt được trong hơn 10 năm qua ghi dấu ấn đậm nét của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo ông Dương Trung Quốc, nguyên đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: “Ta cứ lùi lại sự kiện, nếu không bắt đầu từ chiếc xe biển xanh của Trịnh Xuân Thanh thì có xuất hiện vấn đề Trịnh Xuân Thanh không? Nếu không đi từ vụ việc Trịnh Xuân Thanh thì có ra vấn đề ông Vũ Huy Hoàng không?”

Cũng theo ông Dương Trung Quốc, từ các vụ án, vụ việc, điều quan trọng là phải đừng để xảy ra để giải quyết hậu quả. Nếu chỉ giải quyết hậu quả mang tính đặc thù, điển hình, chỉ làm một lần thì chưa đủ sức răn đe. Phải làm bài bản, trước hết phải tuân thủ luật pháp và không coi là điển hình.

Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực; xử lý đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với những vi phạm, bất kể người đó là ai; gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Với quan điểm “kiên quyết, kiên trì”, “không ngừng, không nghỉ”, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những chuyển biến rõ nét, tạo những cú “huých” lớn vào phần “tảng băng chìm”, nhiều góc khuất dần dần được lộ ra ánh sáng.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan nội chính đã quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (PCTN), tập trung lực lượng, tăng cường phối hợp, kịp thời phát hiện, tham mưu chỉ đạo xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thực hiện: “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không chịu bất kỳ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm!”. Với quyết tâm mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta đã tạo nên xu hướng, phong trào chống “giặc nội xâm”, huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và sự ủng hộ của Nhân dân.

Thời gian qua cho thấy, công tác xây dựng Đảng được coi trọng hơn, ý thức toàn Đảng, toàn dân chăm lo xây dựng Đảng nhiều hơn, đặc biệt vai trò của người đứng đầu thấy được trách nhiệm của mình, trách nhiệm của cấp ủy Đảng.

Nhiều địa phương đã có cách làm sáng tạo, tính công khai cũng được chú ý đầy đủ, nhiều hơn. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt sự quan tâm của người đứng đầu cũng được quan tâm hơn. Ý thức Đảng, tính Đảng ở các cơ quan, đặc biệt cơ quan chính quyền đoàn thể được chú ý hơn. Các cơ quan nội chính theo ngành dọc đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan chức năng liên quan để thực hiện đồng bộ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt. Từng tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành đã nhận thức sâu sắc, đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhân dân, trước Đảng để tự giác thực hiện. Cả hệ thống chính trị và Nhân dân đã tích cực vào cuộc, tạo thành phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Theo dangcongsan.vn

---------------------------------------------
Bài 3: Đặc biệt chú trọng ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái...biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những dấu ấn công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng. Bài 2: Đột phá trong công tác xây dựng Đảng