Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Cán bộ dám nghĩ, dám làm cần được bảo vệ"

13/10/2021 10:35

Kết luận của Bộ Chính trị về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung là chủ trương "có ý nghĩa mở đường", theo nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan.

Ông Vũ Khoan nói đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị ban hành một văn bản riêng về chủ đề trên. Trong đó, tư tưởng nổi bật là khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách.

Cách làm đột phá đó phải tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn; mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung...

Theo ông Vũ Khoan, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, sáng tạo "luôn là những nhân vật tinh hoa có năng lực nhìn xa trông rộng và dũng cảm dấn thân, mở đường dẫn dắt người dân".

Tuy nhiên, không ít người trong số họ vấp phải nhiều trở ngại, gian nan cần được thông cảm, bảo vệ, hỗ trợ. Đơn cử như Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (nay là Vĩnh Yên) Kim Ngọc từng đi đầu trong công cuộc "khoán" nông nghiệp thời kỳ trước Đổi mới 1986 và đã bị kỷ luật vì sự đổi mới này.

"Chủ trương nêu trên có ý nghĩa mở đường, đề ra định hướng chung, chắc sẽ cần ban hành các văn bản của Đảng và của Nhà nước nhằm cụ thể hóa, triển khai và xử lý những vấn đề, tình huống cụ thể nảy sinh trong thực tiễn", nguyên Phó thủ tướng nói.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Ảnh: VNF

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Bên cạnh cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ sẽ xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực.

Ông Vũ Khoan phân tích, trên thực tế không phải không có những người núp bóng "năng động, sáng tạo" để mưu cầu lợi ích riêng. Ngăn ngừa tình trạng này là điều không dễ và nhất thiết phải có con mắt tinh tường của các cơ quan, cá nhân quản lý. Điều quan trọng hơn là hệ thống văn bản pháp quy chặt chẽ và sự giám sát của người dân.

"Tuy nhiên cũng không thể cầu toàn đến mức không dám động đậy gì. Chúng ta cần khuyến khích cán bộ dám nghĩ dám làm với những biện pháp phòng ngừa chặt chẽ nhất có thể. Còn để đến mức không dám động đậy gì thì có khi còn nguy hại hơn", ông Vũ Khoan nhấn mạnh.

Nguyên Phó thủ tướng cũng lưu ý đến thực tế có thể nẩy sinh tình huống thủ trưởng, cấp ủy trực tiếp vì lý do này hay lý do khác cản trở sự năng động, sáng tạo, không hỗ trợ về nguồn nhân – vật lực để cán bộ triển khai thí điểm. "Khi đó mọi ý tưởng năng động, sáng tạo sẽ bị chôn vùi", ông cảnh báo.

Hơn 10 năm phụ trách công tác tiếp dân tại trụ sở tiếp công dân Trung ương, ông Nguyễn Hồng Điệp nói việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo sẽ giúp huy động được sức mạnh, trí tuệ của xã hội và nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị. Theo ông, thông thường những người dám nghĩ, dám làm là những người dám nói, mà dám nói thì hay va chạm. Cho nên họ rất cần được bảo vệ để tự tin phát huy khả năng bản thân.

Để chủ trương nêu trên đi vào thực tế, ông Điệp đề xuất "trước hết hãy xây dựng cơ chế sàng lọc những cán bộ nằm im chờ thời". Qua đó, các cấp cán bộ phải thấy rằng uy tín, tín nhiệm của mình là trước công việc, cấp trên và người dân chứ không phải "mũ ni che tai, tranh thủ phiếu". "Nếu làm gì cũng rụt rè, sợ sai thì không nên ngồi ghế lãnh đạo. Đơn cử việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân mà sợ động chạm đến cấp trên thì không thể làm tròn nhiệm vụ", ông Điệp nói.

Lãnh đạo Ban Tiếp công dân Trung ương đơn cử, tại một địa phương, lãnh đạo ra quyết định thu hồi đất sai, đền bù cho dân không thỏa đáng, nhưng qua rất nhiều năm chính quyền vẫn bảo thủ, sợ trách nhiệm, sợ động chạm đến cấp trên nên không giải quyết, khiến người dân liên tục cầm đơn lên Trung ương. Thanh tra Chính phủ sau đó vào cuộc, cùng địa phương rà soát lại. Và sau nhiều năm, người dân đã được đền bù, được hỗ trợ, cuộc sống tốt hơn.

Ông Điệp kể thêm, ở Ban Tiếp công dân Trung ương nhiều năm, ông và đồng nghiệp không hiếm lần phải đối mặt với những vụ khiếu nại liên quan đến lãnh đạo địa phương, thậm chí là cấp trên của mình. Cách đây vài năm, một người dân đi đòi quyền lợi liên quan đến tiền tử tuất hàng tháng. Chồng bà là cán bộ, nhưng khi ông mất, chính quyền không giải quyết chế độ. Công dân này ròng rã đi kêu cứu suốt 23 năm, từ địa phương đến các cơ quan Trung ương.

Sự việc liên quan đến một lãnh đạo địa phương nên gặp khó khăn trong giải quyết. Tuy nhiên, sau khi Ban tiếp dân Trung ương vào cuộc, phối hợp lãnh đạo tỉnh giải quyết thì địa phương đã sửa sai, người dân được nhận toàn bộ tiền tuất theo quy định. "Tôi nhớ dịp 23 Tết, bác gái được nhận tiền tuất của chồng đã viết thư cảm ơn chúng tôi, cho biết rất cảm động vì công lý được thực thi", ông Điệp chia sẻ và cho rằng những ví dụ cụ thể trên đây cho thấy nếu chính quyền địa phương dám nghĩ dám làm, không sợ sửa sai, giải quyết sớm cho người dân thì niềm tin của người dân vào chính quyền sẽ được củng cố tốt hơn.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp. Ảnh: Hoàng Thùy

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp

Ủng hộ chủ trương bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, tuy nhiên ông Điệp cũng cho rằng đổi mới phải dựa trên cơ sở khoa học, yêu cầu thực tiễn và tính toán được hiệu quả, lường trước hậu quả, chứ không phải sáng tạo tràn lan.

"Không thể mang tính mạng của người dân, tài sản của Nhà nước, của nhân dân để đánh đổi hay thí điểm những việc không có cơ sở khoa học", ông nói và đề xuất ban hành quy định cụ thể để vừa bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, vừa là "hàng rào" ngăn chặn những người khoác áo đổi mới, sáng tạo để làm liều.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh lấy ví dụ cụ thể cán bộ dám nghĩ, dám làm trong thời gian chống dịch vừa qua. Ông nói Bí thư Quận 6 TP Hồ Chí Minh, khi thấy tình hình dịch Covid-19 lan rộng và có chiều hướng nguy hiểm, các ca tử vong trong thành phố tăng cao, bà đã không chờ đợi hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế và Sở Y tế thành phố mà chủ động cho phát thuốc kháng viêm, kháng đông cho F0 điều trị tại nhà. Việc "xé rào" này đã giúp giảm được các ca tử vong, bảo vệ sức khỏe tính mạng của người dân.

Bên cạnh điểm sáng đó, cũng nhiều nơi cán bộ còn bị động, lúng túng trong phòng chống dịch. Thực trạng hàng chục nghìn người dân từ các khu công nghiệp ở TP HCM, Bình Dương trở về quê bằng xe máy, có người đi hàng nghìn km về các tỉnh phía Bắc đã cho thấy điều đó. Lẽ ra, chính quyền một số tỉnh phải dự báo được tình hình, chủ động phối hợp để đưa đón người dân về quê vừa kiểm soát dịch bệnh tốt hơn, lại vừa đảm bảo an toàn giao thông.

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh. Ảnh: Hoàng Phong

Nguyên Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Theo ông Dĩnh, lãnh đạo nhiều tỉnh cho rằng phải đặt an toàn địa phương lên trên hết, nếu đưa dân về không cẩn thận sẽ làm lây lan dịch bệnh, nhưng đây là cách phòng dịch thụ động và không nhìn thấy rằng "người dân trở về cũng là con em của địa phương".

Trong khi đó, ở Phú Yên từ tháng 7 đến nay đã chủ động phối hợp với TP Hồ Chí Minh tổ chức những chuyến xe lần lượt đưa khoảng 16.000 người về quê. "Sự chuẩn bị chu đáo và ấp áp nghĩa tĩnh như vậy giúp Phú Yên trở thành điểm sáng. Cán bộ bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm không ở đâu xa mà ở ngay những việc cụ thể như vậy", ông Dĩnh nhìn nhận.

Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, ban hành ngày 22.9. Trong đó nêu một trong những mục đích của chủ trương này là "khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ".

Cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thí điểm.

Khi cán bộ thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra, gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp. Trường hợp cán bộ thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: "Cán bộ dám nghĩ, dám làm cần được bảo vệ"