Vì nhẹ dạ, cả tin và hám lợi, nhiều người mất trắng hàng chục, hàng trăm triệu đồng cho các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội...
Những tin nhắn lừa đảo trúng thưởng
Nhiều thủ đoạn
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an tỉnh) tiếp tục nhận được trình báo của nạn nhân về việc họ bị lừa tiền qua mạng xã hội. Đến nay, hầu hết các thủ đoạn lừa đảo mà các đối tượng thường áp dụng đều đã có nạn nhân là người tỉnh ta. Trong đó, một cách thức không mới nhưng vẫn có nhiều người mắc bẫy là dùng tài khoản giả làm người nước ngoài kết bạn làm quen. Sau một thời gian nói chuyện, bọn chúng lừa chuyển quà, tiền về nước tặng và yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cước, phí, thuế...
Cuối tháng 5.2018, anh Đ.V.H. (42 tuổi, ở xã Ngũ Phúc, Kim Thành) kết bạn với một tài khoản Facebook tự giới thiệu là nữ, ở nước ngoài. Sau một vài ngày nói chuyện, tài khoản trên ngỏ ý muốn chuyển 1 triệu đô la Mỹ cho anh H. để làm từ thiện. Ngày 10.6, "người phụ nữ" thông báo với anh H. đã gửi tiền về và yêu cầu anh này chuyển 16 triệu đồng tiền phí vào một tài khoản ngân hàng trong nước. Sau 2 ngày chuyển tiền mà không thấy 1 triệu đô la Mỹ đâu, anh H. mới biết mình bị lừa và trình báo cơ quan công an.
Với thủ đoạn tương tự, đầu tháng 7.2018, chị N.T.L. (27 tuổi, ở xã Cẩm Chế, Thanh Hà) đã bị lừa mất 133 triệu đồng. Thiếu tá Nguyễn Văn Hải, Đội trưởng Đội Chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC45) cho biết: "Sau khi đánh vào lòng tham và chiếm được lòng tin của nạn nhân, bọn chúng thường viện đủ lý do đề nghị nạn nhân giữ kín, không chia sẻ thông tin với ai, kể cả người thân. Do nạn nhân giữ kín nên không ai phát hiện, cảnh báo, can ngăn kịp thời. Nhiều người không có tiền còn âm thầm vay tiền để chuyển cho bọn chúng. Chỉ đến khi nạn nhân biết mình đã bị lừa, sự việc vỡ lở thì đã muộn".
Cùng với thủ đoạn làm quen, gửi tiền, quà, thời gian gần đây các vụ lừa đảo trúng thưởng qua tin nhắn Facebook cũng bùng phát trở lại. Nhiều người dùng Facebook trên địa bàn tỉnh dù không tham gia chương trình bốc thăm trúng thưởng hay khuyến mãi nào nhưng vẫn nhận được tin nhắn chúc mừng trúng xe máy đắt tiền hoặc tiền mặt. Khi nạn nhân tin và muốn nhận "thưởng", bọn chúng sẽ yêu cầu khai báo thông tin và phải gửi trước các khoản tiền qua tài khoản ngân hàng hay nạp thẻ cào để trả chi phí nhận giải. Khi con mồi mắc bẫy, bọn chúng tiếp tục yêu cầu chuyển nhiều khoản tiền khác với đủ lý do như để đặt cọc, bồi dưỡng nhân viên… Vì nhẹ dạ, tưởng mình trúng xe máy SH và 200 triệu đồng, trong tháng 6.2018, anh H.X.D. (36 tuổi, ở xã Tân Phong, Ninh Giang) đã bị lừa mất trên 100 triệu đồng.
Khó điều tra
Tháng 4.2018, PC45 đã triệt phá một nhóm đối tượng ở TP Đà Nẵng và Quảng Nam chuyên lừa bán xe máy qua Facebook. Theo cơ quan điều tra, hiện thủ đoạn này vẫn được bọn tội phạm sử dụng và vẫn có những nạn nhân mới sập bẫy. Bọn chúng lập những tài khoản Facebook chào bán xe "trốn thuế", xe "thanh lý" với giá rẻ hơn rất nhiều giá trị xe. Để lấy lòng tin của người mua, các đối tượng đưa số điện thoại để liên hệ trực tiếp và cam kết tất cả các xe khi bán ra đều làm được biển số đúng quy định. Thậm chí bọn chúng còn đăng tải những thông báo, giấy tờ giả của cơ quan chức năng để nạn nhân tin tưởng. Sau khi dụ dỗ được người mua, các đối tượng yêu cầu đặt cọc, phí vận chuyển để nhận xe. Tưởng mua được xe với giá rẻ nên nhiều người mất tiền oan.
Theo cơ quan công an, hiện việc điều tra, làm rõ những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội gặp rất nhiều khó khăn và tốn thời gian, chi phí. Các tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng bọn chúng sử dụng để lừa đảo đều là thông tin giả hoặc thuê người khác lập. Ngoài ra, hiện việc phối hợp, hợp tác của các ngân hàng và các công ty chủ quản mạng xã hội cũng còn nhiều hạn chế. "Để truy tìm tung tích, bắt giữ được nhóm lừa bán xe máy qua Facebook, chúng tôi phải mất hàng tuần liền ở các tỉnh miền Trung. Nhiều vụ việc chi phí để phá án thậm chí còn lớn hơn số tiền nạn nhân bị lừa đảo. Khi mọi người bắt đầu cảnh giác với những thủ đoạn lừa đảo này thì bọn tội phạm lại nghĩ ra những cách khác để thực hiện hành vi phạm tội khiến công tác phòng chống gặp khó khăn", thiếu tá Nguyễn Văn Hải chia sẻ.
Để không trở thành nạn nhân của bọn tội phạm, cơ quan chức năng khuyến cáo mọi người cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội. Tuyệt đối không tin và nghe theo các đối tượng quen biết qua mạng xã hội. Thậm chí phải đề phòng cả với những tài khoản của người quen khi nhờ mua thẻ điện thoại hoặc vay tiền. Bởi rất có thể tài khoản đó đã bị bọn tội phạm chiếm quyền sử dụng. Đặc biệt, khi thấy biểu hiện nghi vấn, người dân phải báo ngay để cơ quan công an kịp thời ngăn chặn, xử lý.
HẠO NHIÊN