Không chỉ trả lương mỗi tháng 200-500 triệu đồng cho các vị trí chủ chốt của SCB, bà Trương Mỹ Lan còn thường xuyên cho cổ phần, thưởng tiền để dễ điều khiển, theo cáo trạng.
Trong 45 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB vừa bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố có 3 cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), 4 Tổng giám đốc, 10 Phó Tổng giám đốc. Những vị trí lãnh đạo chủ chốt tại SCB đều là người có trình độ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, được bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (có quyền lực cao nhất tại SCB vì chi phối hơn 91% cổ phần) tuyển chọn.
Theo nhà chức trách, bà Lan đã trả lương 200-500 triệu đồng mỗi tháng cho họ và tặng thưởng tiền, cổ phần SCB để "thu phục". Những cánh tay đắc lực như cựu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng và cựu Tổng, Phó Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung đã giúp bà Lan rút ruột của SCB hơn 1.066.600 tỷ đồng trong 10 năm.
Bà Lan cùng các cán bộ trên của SCB vừa bị Viện Kiểm sát truy tố về tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bị can Bùi Anh Dũng làm việc tại SCB từ thời kỳ đầu, trải qua nhiều vị trí như Giám đốc Chi nhánh Bến Thành, Phó Tổng giám đốc SCB, ủy viên HĐQT. Năm 2019, Dũng được Đinh Văn Thành (giữ cương vị Chủ tịch HĐQT SCB từ khi thành lập) giới thiệu kế nhiệm mình. Do được Thành giới thiệu là người "hiền lành, không quậy phá" nên bà Lan đồng ý cho Dũng làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2020.
Nhà chức trách cáo buộc, khi bắt đầu vị trí mới, Dũng biết rõ các khoản vay của nhóm bà Lan sẽ không cần thẩm định khách hàng, tài sản bảo đảm, không quan tâm phương án vay vốn và sẽ theo dõi riêng trên hệ thống. Việc này đã bỏ qua quy định cho vay thông trường, trái quy định pháp luật nhưng Dũng vẫn giúp sức tích cực.
Quá trình phục vụ tại SCB, ngoài lương, thưởng dịp lễ, Tết, Dũng được bà Lan cho 500.000 cổ phiếu SCB (khoảng 5 tỷ đồng).
Với bị can Trương Khánh Hoàng, quyền Tổng giám đốc SCB, được tham gia nhiều cuộc họp lãnh đạo cấp hội sở của SCB theo triệu tập của bà Lan. Tại các cuộc này, Hoàng cùng lãnh đạo SCB sẽ ngồi nghe chỉ đạo của bà Lan về việc cho vay, số lượng tiền cần giải ngân, thời gian giải ngân, dùng tài sản gì bảo đảm, giải ngân tiền cho ai. Một số lần, Hoàng còn nhận lệnh từ người thân của bà Lan với cùng nội dung trong các cuộc họp.
Nhận lệnh từ "Madam Lan", Hoàng giao các bộ phận chuyên môn như khối tái thẩm định, phê duyệt tín dụng để làm thủ tục giải ngân. Riêng với khoản vay của nhóm bà Lan sẽ không có bộ phận kiểm tra vay vốn mà khi đến hạn, lãnh đạo SCB sẽ cùng bàn tìm phương án để trả gốc, lãi hoặc tất toán.
Cơ quan công tố cáo buộc, từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2021, Hoàng đã ký 253 tờ trình tái thẩm định, 349 biên bản họp hội đồng kinh doanh, 39 tờ trình đồng ý cho 386 khoản vay hơn 220.000 tỷ đồng. Hoàng biết rõ các khoản vay của bà Lan và Vạn Thịnh Phát đều trái quy định pháp luật nhưng do được trả lương rất cao, từ 130 đến 500 triệu đồng một tháng, nên đã giúp sức tích cực cho bà Lan rút tiền của SCB.
Vào các dịp lễ, Tết, Hoàng được bà Lan thưởng nhiều lần, tổng 5 tỷ đồng. Ngoài ra, Hoàng còn nhận từ bà Lan 300.000 cổ phần SCB (khoảng 3 tỷ đồng) vào năm 2021 và 10 triệu cổ phần (khoảng 100 tỷ đồng) vào năm 2022. Toàn bộ số cổ phần được cho, Hoàng để vợ và bố, mẹ vợ đứng tên.
Tương tự, Trần Thị Mỹ Dung với cương vị là Phó Tổng giám đốc đã thường xuyên chỉ đạo cấp dưới hợp thức hồ sơ khống để giải ngân tiền cho bà Lan sử dụng cá nhân. Dung biết rõ các khoản vay của bà Lan đều đứng tên công ty "ma" và rút tiền ra trước, hoàn thiện hồ sơ sau, không thẩm định khách hàng, tài sản, nhưng vẫn giúp sức tích cực cho bà Lan. Năm 2021, Dung được bà Lan cho 300.000 cổ phần SCB (khoảng 3 tỷ đồng).
Trong vụ án này, 5 người bị truy tố nhưng đã bỏ trốn là Đinh Văn Thành; Nguyễn Thị Thu Sương; Chiêm Minh Dũng, cựu Phó Tổng giám đốc SCB; Trầm Thích Tồn, thành viên HĐQT SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu Phó Giám đốc SCB chi nhánh Bến Thành. Đây đều là những vị trí quan trọng do bà Lan dựng lên.
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đang kêu gọi các bị can này đến công an hoặc Viện Kiểm sát nơi gần nhất để đầu thú, hưởng khoan hồng và thực hiện quyền tự bào chữa theo quy định. Nếu vẫn tiếp tục bỏ trốn, Viện Kiểm sát coi đó là từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt.
Công ty thẩm định giá giúp SCB hoàn thiện khống hồ sơ
Để hợp thức hồ sơ cho các khoản vay, bà Lan chỉ đạo cấp dưới liên hệ với các công ty thẩm định giá để đề nghị phát hành chứng thư thẩm định giá theo ngày ấn định sẵn. Mọi thông tin về tài sản, mức giá cần thẩm định cũng do nhóm bà Lan cung cấp.
Công ty thẩm định giá biết rõ mục đích của việc phát hành chứng thư được sử dụng để vay vốn ngân hàng. Thế nhưng các thẩm định viên đã không làm đúng quy trình, không thẩm định giá thực tế mà chỉ phát hành chứng thư theo yêu cầu để nhận thù lao thẩm định.
Từ giữa năm 2020, bị can Hồ Bình Minh, Phó Giám đốc Công ty Thẩm định giá MHD, đã thống nhất với Phòng tái thẩm định SCB về việc thẩm định giá tài sản theo yêu cầu của ngân hàng. Hai bên thống nhất nâng khống giá trị tài sản tại một số dự án để phát hành chứng thư thẩm định. Việc này giúp cho SCB hợp thức hóa hồ sơ thế chấp giải ngân.
Ngoài ra, Minh còn giới thiệu cho Công ty Tầm Nhìn Mới phát hành chứng thư cho SCB để hưởng 10-15% giá trị hợp đồng trước thuế. Trên thực tế, các chứng thư thẩm định giá đều do Minh soạn theo hướng nâng khống rồi gửi lại cho Tầm Nhìn Mới in ấn, phát hành.
Công ty thẩm định Tầm Nhìn Mới hoạt động từ tháng 3/2022 nhưng theo đề nghị của Minh, công ty này đã ký phát hành các chứng thư, báo cáo thẩm định giá lùi thời gian xuống năm 2020, 2021 để hợp giúp SCB hợp thức hồ sơ. Minh sau đó thanh toán cho Tầm Nhìn mới 100-200 triệu đồng.
Viện Kiểm sát xác định, 7 thẩm định viên của các công ty thẩm định đã thông đồng với nhân viên SCB để hợp thức hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho ngân hàng 127.000 tỷ đồng và đều bị truy tố về tội vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng.
Theo VnExpress