Hồ sơ phá án

Hơn một triệu tỷ đồng bà Trương Mỹ Lan rút khỏi SCB đã đi đâu?

Theo VnExpress 16/12/2023 09:52

Nhà chức trách cáo buộc bà Trương Mỹ Lan chuyển phần lớn tiền ra khỏi ngân hàng sau khi được giải ngân và sau đó dùng nhiều thủ đoạn để "cắt đứt dòng tiền".

Trước những sai phạm bị đánh giá là "có tổ chức, tinh vi, xảo quyệt", bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố về ba tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.

Trong 85 bị can còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố có 45 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB; 15 cựu cán bộ Ngân hàng Nhà nước; 3 cựu cán bộ Thanh tra Chính phủ; một cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước.

Nhà chức trách cáo buộc Vạn Thịnh Phát có hơn 1.000 công ty "ma" trong và ngoài nước, không có hoạt động kinh doanh, chia thành nhiều tầng lớp tạo thành "một hệ sinh thái". Trong đó, Vạn Thịnh Phát là trung tâm, kiểm soát toàn bộ hoạt động. Các công ty "ma" chủ yếu được bà Lan dựng lên để phục vụ việc đứng tên các khoản vay khống và chuyển nhượng cổ phần.

Bà Lan bị cáo buộc lợi dụng hoạt động của ngân hàng để huy động vốn phục vụ kinh doanh cá nhân, do đó đã thâu tóm 3 ngân hàng tư nhân và cho ra đời Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Dù không giữ chức vụ ở SCB, bà Lan nắm cổ phần chi phối nhà băng này đến hơn 91%, "là người có quyền lực cao nhất, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB". Bà trực tiếp tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào vị trí lãnh đạo chủ chốt. Bà chỉ đạo thành lập riêng ba đơn vị trực thuộc SCB để giải ngân cho vay theo yêu cầu của bà.

Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt.

Bà Trương Mỹ Lan lúc chưa bị bắt

Kết quả điều tra xác định, từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống hồ sơ và SCB đã giải ngân hơn 2.500 khoản cho nhóm của bà (1.000 khoản cho cá nhân, 1.500 khoản cho tổ chức) với tổng số tiền hơn 1.066.600 tỷ đồng. Khi giải ngân, SCB sẽ chuyển cho các cá nhân hoặc pháp nhân theo phương án vay vốn.

Nếu so với quy mô GDP Việt Nam (cuối quý III năm nay là 4,7 triệu tỷ đồng), 1.066.600 tỷ đồng (43,96 tỷ USD) SCB giải ngân cho nhóm của bà Lan được ước tính chiếm khoảng 22,6%. Số tiền này cũng gấp 3 lần tổng mức đầu tư "siêu dự án" sân bay Long Thành (336.630 tỷ đồng), gấp 7 lần tổng vốn đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam (147.000 tỷ đồng).

Tính đến tháng 10/2022 (thời điểm khởi tố vụ án), nhóm bà Lan còn 1.284 khoản vay với dư nợ 677.200 tỷ đồng, trong đó 483.900 tỷ đồng nợ gốc và 193.300 tiền lãi. Dư nợ gốc chiếm 93% tổng dư nợ gốc của hơn 23.000 khoản vay còn dư nợ tại SCB. Hiện các khoản nợ này không có khả năng thu hồi.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong 525.400 tỷ đồng được giải ngân của 1.284 khoản vay, bà Lan đã chuyển ra ngoài hệ thống SCB 57.000 tỷ đồng, rút tiền mặt 81.800 tỷ đồng, trả nợ khoản vay cũ tại SCB 57.000 tỷ, chuyển khoản nội bộ trong SCB 5.200 tỷ. Như vậy, tiền chuyển ra khỏi hệ thống SCB và rút tiền mặt của bà Lan chiếm 88% tổng tiền giải ngân.

Bà Lan sử dụng các khoản tiền này như thế nào chưa thể hiện trong cáo trạng. Nhưng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định khi tiền rút khỏi ngân hàng, bà sẽ chỉ đạo cấp dưới chuyển từ công ty được giải ngân sang tài khoản của các pháp nhân, cá nhân "ma". Khi cần sử dụng, nữ chủ tịch yêu cầu "chuyển tiền lòng vòng" trong các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát để tránh bị kiểm toán.

Nếu cần tiền mặt, bà Lan chỉ đạo nhân viên làm các thủ tục khống để hợp thức chứng từ rút tiền. Tiền mặt xuất khỏi nhà băng, bà Lan sẽ chỉ đạo lái xe dùng ô tô chở về nhà riêng ở tòa nhà Sherwood số 127 Pasteur, quận 3, TP Hồ Chí Minh hoặc trụ sở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát ở 193-203 Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh.

Từ tháng 2/2019 đến 9/2022, lái xe đã vận chuyển 108.000 tỷ đồng và 14,7 triệu USD (khoảng 355 tỷ đồng) tiền mặt từ SCB về nhà bà Lan hoặc trụ sở Vạn Thịnh Phát. Nhiều lần, bà Lan chỉ đạo lái xe đưa cho một số người.

Cơ quan tố tụng cho hay trên cơ sở đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị can, bà Lan bị cáo buộc chiếm đoạt 304.000 tỷ đồng và gây thiệt hại 129.000 tỷ đồng tiền lãi phát sinh từ số tiền gốc chiếm đoạt. Ngoài ra, bà Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 64.600 tỷ đồng bởi làm trái quy định về cho vay của ngân hàng.

Bà Lan bị cáo buộc với mục đích mua chuộc đoàn cán bộ thanh tra nên đã chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước tới 5,2 triệu USD.

Một chi nhánh của Ngân hàng SCB ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Một chi nhánh của Ngân hàng SCB ở Hà Nội

SCB có một hội sở chính, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Theo nhà chức trách, nhà băng chỉ để phục vụ mục đích cá nhân của bà Lan nên tại thời điểm bị thanh tra vào giữa năm 2017, SCB "có thực trạng tài chính rất xấu" khi nợ xấu hơn 20%.

Tại thời điểm khởi tố vụ án, tổng số tiền SCB huy động của người dân và các tổ chức khác là 673.500 tỷ đồng, trong đó riêng tiền gửi của khách hàng là 511.200 tỷ đồng. Lúc đó, tổng nguồn vốn của SCB là 713.400 tỷ đồng, trong khi kiểm toán độc lập xác định SCB âm vốn chủ sở hữu 443.700 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.500 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, trừ bà Lan và 5 bị can đang bỏ trốn, 80 người còn lại đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Nhiều bị can còn tích cực phối hợp cùng cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án và nộp tiền, tài sản để khắc phục hậu quả.

Theo VnExpress
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hơn một triệu tỷ đồng bà Trương Mỹ Lan rút khỏi SCB đã đi đâu?