Với 86 bị can trong vụ sai phạm xảy ra tại Vạn Thịnh Phát với nhiều tội danh được khởi tố, rất nhiều tiền bị chiếm đoạt và hành vi sai phạm diễn ra trong thời gian rất dài.
Theo kết luận điều tra, dù không nắm giữ chức vụ gì nhưng bà Trương Mỹ Lan mới là "chủ thực sự" chi phối Ngân hàng SCB, biến thành "công cụ tài chính" để huy động tiền gửi sau đó cấp vốn cho "hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát" với hàng ngàn công ty.
Trong đó 86 bị can bị đề nghị truy tố 6 tội danh: tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh; 45 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng SCB bị đề nghị truy tố 3 tội danh; 8 lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Nhà nước… Số bị hại 42.000 nhà đầu tư mua trái phiếu.
Kết luận cho thấy ngoài chỉ đạo nhóm thân tín ở Vạn Thịnh Phát và SCB lập hồ sơ khống vay tiền, bà Lan còn chỉ đạo rút tiền ra khỏi nhà băng này bằng nhiều thủ đoạn cực kỳ tinh vi.
Hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với 1.000 công ty con. Tuy không nắm chức vụ gì nhưng bà Lan sở hữu 91,5% cổ phần SCB.
Bà Trương Mỹ Lan nắm "quyền lực tuyệt đối" chi phối lũng đoạn ngân hàng này. Để chi phối toàn bộ hoạt động của ngân hàng, bà Lan đưa người thân tín vào giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt SCB, trả lương 200 - 500 triệu đồng/tháng.
Nhóm của bà Trương Mỹ Lan có hơn 2.500 khoản vay tại SCB, tổng số tiền giải ngân 1.066.000 tỉ đồng, chiếm 93% tổng số tiền cho vay của ngân hàng này.
Số tiền này chiếm khoảng 22,6% so với quy mô GDP Việt Nam tới cuối quý 3 năm nay (4,7 triệu tỉ đồng). Nếu so với GDP Việt Nam năm 2022 (409 tỉ USD), con số bị cáo buộc 1.066.000 tỉ đồng (43,96 tỉ USD) bằng khoảng 10,7%.
Nhóm bà Lan còn 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỉ đồng.
Theo Tuổi trẻ