Thường cuối năm người ta hay ngồi ngẫm nghĩ lại một năm đã đi qua với bao buồn vui thế sự.
Thường cuối năm người ta hay ngồi ngẫm nghĩ lại một năm đã đi qua với bao buồn vui thế sự. Trần Nam Phong lại chọn chiều cuối năm là khi lắng lại bao phù sa ký ức, lay đọng bao tâm tình trong một chiều hồi tưởng. Cả chiều và cả cuối năm đều chạm cái đích cuối, khép lại và mở ra với cái quy luật tuần hoàn của thời gian như một vòng xoay với bao chiêm nghiệm sống. Với tập thơ “Viết chờ sen lên” thì ám ảnh thời gian - thời gian sinh lý và tâm lý, thời gian vật chất và phi vật thể, thời gian nắm được và bắt được với thời gian hư vô đã tạo ra một định lượng thẩm mỹ có tính mỹ học, triết học của chất thiền, hướng tới cái thiện tinh khiết của sen, của vẻ đẹp hoàn hảo, thì ở đây với “Chiều cuối năm” bút pháp thơ anh lại mở ra một chiều tâm tưởng qua điệu thơ lục bát nhuần nhị. Vâng, điệu thơ chứ không phải giọng thơ. Đây là điệu thức gam trầm, đây là điệu hát tâm tình, đây là điệu thức của những cung bậc nhạy cảm, nhạy cảm trong lắng nghe, nhạy cảm trong quan sát cả những điều diệu vợi, cả những liên tưởng kép. Một điệu thơ truyền thống và ám ảnh, thế sự và bay bổng, ám ảnh trong lay thức mà vẫn có nét nhẩn nha bao chiêm nghiệm...
Anh bắt đầu cái buổi chiều “Đi dọc tiếng chim” thanh âm đã cất lên hướng thượng, một dẫn dắt định hướng tâm tình. Anh nghe được trong “thớ gió”, anh vớt lên được “mảnh bơ thờ heo may”. Anh nghe được cả “gió chín trên cây”, thật ra đây là quả chín tỏa hương thơm vào gió. Nhưng gió chính là thổn thức, là rạo rực cõi lòng. Một sự chín dậy trong lòng người, trải ra bao mênh mông lại tụ về bao chắt lọc. Hóa ra tất cả cái xào xạc, cái hương nồng, cái ấm áp tin cậy, cái sẻ chia ngọt ngào, cái chất chưng cất đắm đuối, tất cả đưa tới cái cảm giác “Nôn nao năm cũ đong đầy nhớ thương”. Cái ranh giới cũ và mới với bước nhảy của thời gian thực ra mỏng manh với bao lưu luyến. Phải thật ân tình với cuộc đời, phải thật trải lòng với mình anh mới bày tỏ chân thành “Hồn về tạ lỗi cố hương/ Chân đi muôn nẻo tha phương đất trời”. Ở đây tôi nghe được cả bước chuyển thời gian, không gian tâm trạng, mở ra bao hy vọng tươi mới. Một sự vận động tự thân, tự biết với biện chứng tâm hồn, biện chứng triết học. Tất cả bắt đầu hướng tới một sinh sôi nảy nở trên nền tảng của cái cũ chớm sự lụi tàn. Âu đây cũng là cái nhìn nhân sinh thật nhân ái. Nhân sinh bắt đầu từ “Nhặt lên tiếng khóc, nụ cười” đan xen buồn vui, đan xen được mất. Tôi quý thơ Trần Nam Phong chính là sự giao thoa đó, trong anh luôn thường trực cánh ăng - ten thơ hướng về cuộc đời, hướng về thân phận. Có thế thơ mới tải được bao nỗi niềm canh cánh, thơ mới bồi đắp được bao phù sa ân nghĩa đầy ắp, mới có “Mùa xuân làm tổ bên đồi” - một câu thơ hay, một ý tưởng mới mẻ, một khát vọng sống, một chắt chiu sống, một nâng niu sống. Bởi hơn ai hết thi nhân luôn là người phát hiện ra cái đầu tiên tươi mới với một “Sinh sôi cánh buồm” cứ ăm ắp vẻ đẹp phồn thực. Cuối năm mà không cuối cùng, tất cả như dồn tụ chắt lọc nảy nở, như quả trứng đến đủ ngày ấp thì phải nở, quả xanh qua ngày ương thì phải chín. Nhưng cái hay ở tứ thơ này là sự thổn thức ân tình: “Cho tôi đi hết ngọn nguồn/ Bát cơm cha mẹ, nỗi buồn của em”. Điệu thơ lục bát như một hồi ức, hồi tưởng và đồng vọng lay thức. Và tôi chờ đợi ở anh: “Mở ra ngọn gió vô biên đất trời” - ngọn gió thơ nồng nàn vị mặn của cuộc đời khi anh thật khiêm nhường thú nhận: “Cho tôi sao sáng vào đêm”. “Chiều cuối năm” nhưng lại mở ra bao hy vọng của cây xuân đang rạo rực đâm chồi sinh sôi sự sống...
NGUYỄN NGỌC PHÚ
Chiều cuối năm TRẦN NAM PHONG |