Chùa Khai Nguyên xưa có tên là Cổ Liêu Tự, thường được gọi là chùa Cheo, thuộc thôn Tây Ninh (xã Sơn Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội), gần sát với khu di tích lịch sử đền Măng Sơn. Từ năm 2006, chùa Khai Nguyên được UBND thị xã Sơn Tây cho trùng tu lại. Đặc biệt, vào năm 2015, đại tượng Phật được khởi công xây dựng với thông điệp vì hòa bình thế giới. Sau 9 năm, bức tượng đến nay cơ bản hoàn thành các hạng mục, chính thức đón du khách đến chiêm bái. Tượng Phật cao khoảng 72m, được ghi nhận cao nhất Đông Nam Á, đế rộng hơn 1.200m2. Phần đế là bông hoa sen khổng lồ nở ra ba lớp cánh được sắp xếp xen kẽ, chia đều xung quanh thân tượng, mang đậm nét văn hóa Phật giáo Việt Nam. Bàn tay tượng Phật dài 9m, tay phải được trang trí bánh xe Pháp luân. Đặc biệt, tướng Bạch Hào (dấu ấn trên trán) của Phật làm bằng đá nguyên khối màu đỏ tươi. Tay trái nâng đài sen, thể hiện những triết lý sâu xa của Phật giáo. Với lối kiến trúc độc đáo cùng quy mô hoành tráng, chùa Khai Nguyên đã trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ với du khách và người dân. Không chỉ là một nơi để mọi người tới vãn cảnh và cầu phúc, đây còn là nơi tổ chức nhiều hoạt động Phật giáo có ý nghĩa. "Không chỉ đến chùa vui an lạc, cầu bình an, hàng năm vào dịp hè, chùa thường tổ chức khóa tu mùa hè thu hút một lượng lớn tăng ni phật tử cũng như mọi người ở khắp mọi nơi", chị Đặng Hoàng Dung (trú tại thị xã Sơn Tây) cho biết. Bức đại tượng được xây dựng nhằm truyền tải thông điệp vì hòa bình thế giới, cầu quốc thái dân an, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, Phật pháp hưng long... Tại phần chân đế của mỗi ô cửa được gắn biểu tượng Garuda hay đại bàng Kim Sí, loài chim thần trong Ấn Độ giáo và ảnh hưởng sang Phật giáo. Bên trong đại tượng Phật tại chùa Khai Nguyên có trái tim được tạc bằng chất liệu ngọc bích Nephine Canada nguyên khối, trọng lượng nặng hơn 1 tấn. Ngoài ra, có gần 2.000 pho tượng lớn, nhỏ được trưng bày tại đây phục vụ việc tham quan, lễ Phật của du khách thập phương. Đại tượng được thiết kế 16 tầng, trong đó 12 tầng có thang máy, thang bộ. Mỗi tầng được trang trí một phong cách thờ phụng riêng.
H.A (theo báo Giao thông)