Chùa Nhẫm Dương, phường Duy Tân (Kinh Môn, Hải Dương) có nhiều điều kỳ thú, trong đó có bức tượng “Phật tọa trên lưng vua”.
Bức tượng kỳ lạ
Trong những ngày đầu năm mới, chị Trần Thị Oanh ở Hải Phòng cùng gia đình về chùa Nhẫm Dương lễ Phật. Không chỉ thấy lòng mình thanh thản khi tìm về chốn cửa thiền, chị Oanh còn được tận mắt chứng kiến nhiều điều kỳ thú về ngôi chùa. “Đây là lần đầu tiên tôi được thấy bức tượng Phật tọa trên lưng vua tại một ngôi chùa”, chị Oanh nói.
Bức tượng “Phật tọa trên lưng vua” mà chị Oanh nhắc tới còn có tên gọi “Vua sám hối” hay tượng kép. Tượng gồm một vị Phật tay kết ấn, từ bi, ngồi trên lưng một ông vua trong tư thế quỳ gối phủ phục.
Thế tượng Phật ngồi trên lưng một người, đặc biệt là một vị vua là điều chưa từng có, phá bỏ cấu trúc tạo hình truyền thống trong nghệ thuật tạc tượng Phật (thường ngồi trên đài hoa sen). Chính điều này đã làm nên nét độc đáo, đặc biệt cho bức tượng.
Ni sư Thích Diệu Mơ, trụ trì chùa Nhẫm Dương cho biết không chỉ chị Oanh, nhiều khách thập phương khi tới đây đều lấy làm lạ về bức tượng. Bức tượng trên cao 1m65, được đúc năm 2013 bằng đồng nguyên khối, nặng 2 tấn.
“Bức tượng mô phỏng lại tích Vua sám hối với tổ Tông Diễn, vị tổ thứ hai của thiền phái Tào Động Việt Nam”, ni sư Thích Diệu Mơ nói.
“Vua sám hối”
Chùa Nhẫm Dương còn gọi là Tổ đình Thánh Quang, được xây dựng từ thời Trần. Nơi đây từng là trung tâm Phật giáo thời Trần, hậu Lê và được bảo tồn, phát huy cho đến ngày nay.
Chùa Nhẫm Dương được biết đến là chốn tổ của phái Tào Động Việt Nam, nơi đã xuất hiện rất nhiều bậc cao tăng, thiền sư nổi tiếng trong sự nghiệp hộ quốc an dân. Ngoài thiền sư Thuỷ Nguyệt là Đệ nhất Tổ sư thiền phái Tào Động ở Việt Nam, người khai nguyên chốn tổ Nhẫm Dương, nơi đây còn gắn liền với tên tuổi của Đệ nhị Đức thánh tổ Tông Diễn.
Thiền sư Tông Diễn hiệu Chân Dung (1640-1711), là tổ thứ 2 của thiền phái Tào Động Việt Nam. Theo “Thiền sư Việt Nam” do Hòa thượng Thanh Từ biên soạn: Thiền sư Tông Diễn không biết tên tục. Quê quán ngài có thể ở thôn Phú Quân, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Sư mất ngày 16/7 năm Tân Sửu nhằm niên hiệu Vĩnh Thịnh (1711), thọ 72 tuổi.
Thời vua Lê Hy Tông, Phật giáo không còn được đứng ở vị trí quốc giáo vì vua cho rằng không có lợi cho xã hội. Năm Vĩnh Trị (1678), vua Lê Hy Tông ra sắc lệnh đuổi hết sư sãi lên rừng, ai không đi sẽ bị trừng trị. Hòa thượng Tông Diễn biết được tin này rất đau lòng. Ngài rời chốn sơn dã về kinh thành dâng biểu cảnh tỉnh, nội dung ghi lại những điều lợi cho xã hội mà Phật giáo mang lại, coi trọng đạo Phật mà quốc gia thịnh trị. Sau khi đọc xong biểu cảnh tỉnh, nhà vua thấm nhuần đạo lý, thành tâm sám hối, trọng dụng ngài. Thời bấy giờ, vua Lê Hy Tông đã đặc ban danh hiệu Quốc sư cho Đệ nhị tổ Tông Diễn, cho phép ngồi trước vua trong chính điện để bàn việc chính sự. Thể hiện sự ăn năn của mình khi có những kế sách chưa đúng đắn với Phật giáo, vua Lê Hy Tông cho tạc pho tượng kép: “Phật tọa trên lưng vua” - vua quỳ để Phật ngồi trên lưng, tỏ lòng thành sám hối. Bức tượng này vì thế có tên là “Vua sám hối”, hiện còn tại chùa Hoè Nhai (Hà Nội).
“Chùa Nhẫm Dương là chốn tổ của phái Tào Động ở Việt Nam, gắn liền với các vị sư tổ. Bức tượng Vua sám hối tại nhà tổ của chùa được đúc theo nguyên mẫu tại chùa Hòe Nhai nhằm tưởng nhớ công đức của Nhị tổ Tông Diễn”, ni sư Thích Diệu Mơ nói.
Hiện nay, tại chùa Nhẫm Dương còn tháp cổ Diệu Quang đặt xá lỵ của ngài.
LÊ HƯƠNG