Hỏi: Tôi thấy nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội những thông tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19.
Như gần đây, nhiều người chia sẻ hình ảnh người chết ở Indonesia nhưng nói ở bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh, khiến nhiều người hoang mang. Vậy những trường hợp này bị xử lý thế nào?
HẢI HOÀNG (TP Hải Dương)
Trả lời:
Pháp luật hiện hành chưa có quy định nào điều chỉnh về "tin giả", song có thể hiểu đó là các thông tin giả mạo, bịa đặt, phản ánh sai sự thật.
Việc chia sẻ tin sai sự thật trên mạng xã hội liên quan đến dịch Covid-19 sẽ làm cho tốc độ lan truyền, phổ biến của những thông tin này xuất hiện nhanh chóng và nhiều hơn. Điều này khiến người dân hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch của cơ quan chức năng.
Theo điểm a, d, khoản 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, Công nghệ thông tin... thì hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống; hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang cho người dân, kích động bạo lực... là hành vi vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Điều luật này cũng xác định đối tượng bị xử phạt bao gồm cả người tung tin và người chia sẻ tin giả, mức phạt tiền 10-20 triệu đồng.
Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính để xác định trường hợp chia sẻ tin giả là cố ý hay vô ý, cũng như tính chất nghiêm trọng, hậu quả đã gây ra để làm cơ sở cho việc xác định tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm, qua đó áp dụng mức xử phạt tương xứng.
Qua nội dung tư vấn này, luật sư khuyến cáo người dân cần cẩn trọng và tuyệt đối cảnh giác khi tiếp cận với các thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là các thông tin chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, cần theo dõi thông tin được đăng tải và chia sẻ từ những nguồn chính thống của các cơ quan nhà nước, các báo uy tín, kênh truyền hình quốc gia để nắm được những thông tin xác thực, cần thiết.