Tập trung phân loại sớm và tăng cường khả năng xét nghiệm, với quan điểm là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch...
Đó là quan điểm chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 của Chính phủ được thông báo trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7.2020 tổ chức ngày 3.8.
Chủ trì buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết sau 99 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng thì đã phát hiện ca nhiễm mới tại Đà Nẵng, đặc biệt ở cụm bệnh viện tại địa phương này.
"Thủ tướng đã chủ trì nhiều cuộc họp, chỉ đạo quyết liệt và đưa ra giải pháp căn cơ nhằm mục tiêu dập dịch; khoanh ổ dịch, phong tỏa khu dân cư và TP Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường lực lượng, bác sĩ vào thành phố, tăng khả năng xét nghiệm.
Chỉ đạo các địa phương rà soát kỹ những người đã đến Đà Nẵng; yêu cầu người dân đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn. Mỗi gia đình, thôn xóm, bản làng là pháo đài chống dịch như chống giặc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Ông Dũng cho biết tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là tập trung phân loại sớm và tăng cường khả năng xét nghiệm, với quan điểm là chỉ tập trung phong tỏa nơi trung tâm dịch, giãn cách xã hội ở vùng dịch.
Còn địa phương khác không có lây nhiễm tại cộng đồng, thì khoanh trong phạm vi bán kính vừa đủ để quản lý, phân loại và kiểm soát phòng chống dịch, bảo đảm mục tiêu các hoạt động kinh tế - xã hội được bình thường.
"Điều này nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Chính phủ đánh giá đầu tháng 8.2020 là thời gian quyết định có bùng phát dịch ở quy mô lớn hay không nên yêu cầu "đây là thời gian vàng đưa ra giải pháp căn cơ dập tắt ổ dịch là tổ hợp các bệnh viện, kiên định triển khai các biện pháp phòng chống dịch".
"Tuy nhiên, cũng không được cát cứ, hạn chế nào, không vì kiềm chế dịch bệnh mà ngăn sông cấm chợ. Địa phương có ca nhiễm cộng đồng lớn, nếu nguồn gốc từ Đà Nẵng thì đừng đặt vấn đề đưa ra bán kính quá rộng để giãn cách, phong tỏa.
Ví dụ một bệnh nhân thôn thì khoanh thôn, bệnh nhân xã thì khoanh xã đó, chứ đừng đặt vấn đề cả huyện, cả thành phố", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Về giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Dũng cho biết Thủ tướng chỉ đạo tập trung phòng chống dịch COVID-19 và tái khởi động nền kinh tế là hai nhiệm vụ kép đồng bộ. Thách thức thời gian tới còn lớn, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng còn rủi ro, biến động giá dầu, việc giải ngân vốn còn chậm và thấp, sản xuất kinh doanh nhiều ngành và lĩnh vực còn khó khăn, số lao động mất việc làm cao hơn…
"Trên thế giới đại dịch diễn biến khó lường, kinh tế thương mại toàn cầu dự báo không mấy khả quan, có thể rơi vào suy thoái. Tuy vậy, các định chế tài chính lớn vẫn đánh giá lạc quan với Việt Nam, như WB đánh giá Việt Nam là nước có tăng trưởng đứng thư 5 thế giới với 2,8%. Việt Nam có cơ hội để đón nhận dòng vốn chuyển dịch trong thời gian tới…", Bộ trưởng Dũng thông tin.
“Quan điểm chỉ đạo là không lùi bước trước khó khăn, thách thức và biến thách thức thành cơ hội; kiên định mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra”, Bộ trưởng nêu rõ những giải pháp cụ thể của Chính phủ trong thời gian tới là tập trung đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải pháp chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng.
Đặc biệt đối với vấn đề đang được dư luận quan tâm nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng yêu cầu các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung chỉ đạo tốt kỳ thi THPT, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, an toàn, tiết kiệm, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm, không để lây nhiễm trong học sinh, giáo viên. Có phương án đối với các địa phương đang có dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam…
"Theo Thủ tướng, thi tốt nghiệp thực hiện theo đúng quy định, quyền quyết định thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Ví dụ liên quan địa phương có ca nhiễm, đã rõ nguồn gốc từ Đà Nẵng thì tổ chức thi làm sao bảo đảm lợi ích và quyền lợi học sinh, nên không thể cát cứ riêng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Theo Tuổi trẻ