Chị em giữ tổ ấm bằng cơm 'online'

12/05/2013 09:38

'Bếp ơi, chiều mai em lấy ốc nấu chuối đậu và cá kèo kho tộ nhá'. Số lượng chị em lên Facebook đặt cơm ở bếp ăn gia đình tăng chóng mặt.

Hai tuần nay, chị Hà (quận Tân Bình, TP HCM) cảm thấy nhẹ nhàng hẳn, không phải quýnh quáng lúc đi làm về, vừa đón con, đi chợ, vừa lo cơm nước và tắm rửa cho bé 2 tuổi. Đưa con về đến nhà, chị chỉ việc cắm nồi cơm rồi tắm cho bé và dọn nhà. Chờ đến khi chồng về thì chị quay lại đồ ăn cho nóng và cả nhà vui vẻ ăn cơm tối. Lý do là trong giờ trưa, chị Hà đã kịp lên Facebook đặt các món ăn cho gia đình mình vào bữa tối.

Không có con nhỏ như chị Hà nhưng hai vợ chồng anh Đăng Sơn (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) đều làm ngân hàng, thường xuyên về nhà muộn. Thỉnh thoảng lắm hai người mới ăn cơm ở nhà, còn lại đều ra ngoài hàng ăn qua loa. Tuy biết thức ăn bên ngoài không đảm bảo, giá cả đắt đỏ nhưng vì công việc, vợ chồng anh Sơn đành chấp nhận. Từ ngày biết đến các bếp ăn online, bữa cơm tối của nhà anh Sơn ấm cúng hơn rất nhiều, dù hai anh chị ăn rất muộn.

Ảnh minh họa: Inmagine.

Ảnh minh họa: Inmagine

Áp lực công việc và con cái bận rộn khiến nhiều chị em không có thời gian lo bữa ăn cho gia đình. Các bếp ăn online, chế biến những món từ cầu kỳ đến đơn giản, theo thực đơn phù hợp với bữa cơm gia đình và giao hàng tận nơi đã thu hút được sự quan tâm rất lớn.

Các bếp ăn online hình thành

Khoảng một tháng gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều bếp ăn với những tên gọi gần gũi như Bếp bà A, bếp chị B, bếp của Ph... Và các câu quen thuộc thường xuất hiện trên wall của các "gian hàng" này là: "Bếp ơi, hôm nay em ăn... giao cho em ở...", "Bếp ơi, chiều mai em lấy ốc nấu chuối đậu và cá kèo kho tộ nhá"...

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình

Các "bếp" này hình thành nhờ nhu cầu thực tế của các gia đình hiện đại. Chủ của các "bếp" chế biến những món ăn mặn tại chính nhà mình, đăng thực đơn từng ngày lên mạng và để khách hàng tự chọn món. Sau khi khách đặt hàng, thức ăn sẽ được giao đúng giờ hẹn. Một số người có thời gian sẽ đến thẳng cửa hàng để chọn đồ ăn mang về.

Trào lưu lan rộng

Số lượng người theo dõi Facebook của các gian bếp này tăng lên nhanh chóng mặt và các đơn đặt hàng mỗi ngày đều nhiều lên. Hình thức bán hàng online gặp nhiều thuận lợi khi ở văn phòng, các chị em có nhiều thời gian vào Facebook và nghiên cứu các món ăn phù hợp với gia đình mình.

Theo một số chủ gian bếp online, nhiều người sau khi ăn thử vài lần đã trở thành khách ruột và đặt hàng thường xuyên. Có bếp, số khách ruột lên tới vài trăm người và vẫn không ngừng tăng lên.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình

Mặt trái của sự tiện lợi

Tuy được các chủ cửa hàng quả quyết đều lựa chọn các thực phẩm tươi ngon, có nguồn gốc và chế biến sạch sẽ nhưng khâu vệ sinh an toàn thực phẩm khó kiểm soát. Hơn nữa, như mọi loại hình kinh doanh online khác, quảng cáo và thực tế đôi khi khác xa nhau.

Trong khi các bà vợ hài lòng vì dịch vụ này giúp họ rảnh rang hơn, có nhiều thời gian cho bản thân và chồng con thì cuộc khảo sát nhỏ trên 10 ông chồng cho kết quả trái ngược. Trong số 10 người, chỉ có 2 người hào hứng với việc mua cơm từ ngoài mang về nhà, còn lại 8 người thích ăn cơm do chính tay vợ nấu. Anh Nguyễn Duy Ánh (Đông Tác, Đống Đa, Hà Nội) còn thẳng thắn: "Nếu thực sự tiện lợi như thế, có khi chúng tôi không cần lấy vợ nữa".

Các gia đình trẻ, hiện đại có thể chấp nhận chuyện mua cơm ở ngoài về nhà ăn hàng ngày. Tuy nhiên, nếu sống cùng bố mẹ, sẽ khó khăn hơn để người lớn quen với việc này. Với các cụ, bữa ăn tự chuẩn bị mới đong đầy tình cảm, bếp luôn đỏ lửa thì gia đình mới đầm ấm.

(Nguồn:NS)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chị em giữ tổ ấm bằng cơm 'online'