Bà Lành sinh được hai đứa con trai, cũng vì chiến tranh nên đứa lớn cách đứa út đến gần 20 tuổi.
Ngày trước bà cũng từng đi làm dâu trong gia đình đông anh em, bà hiểu câu nói người xưa “Chị em dâu nấu đầu trâu lủng nồi”, thế nhưng trong những năm đói quay đói quắt, chiến tranh giặc giã, tất cả chị em dâu nhà bà phải xa chồng nên mọi phụ nữ trong gia đình đều yêu thương và đoàn kết lẫn nhau.
Vậy mà giờ đến hai đứa con dâu của bà, dù đời sống kinh tế gia đình tương đối ổn định và với quan điểm “Dâu con rể khách”, nhiều lần bà đã công tâm khuyên giải nhưng chúng vẫn không nghe. Mâu thuẫn phát sinh, chuyện bé xé ra to, đến nỗi tuy không nói ra nhưng dường như chẳng đứa nào muốn nhìn mặt đứa nào, rồi viện đủ lý do chúng xin ra ở riêng, mặc cho bà lầm lũi một mình với ngôi nhà rộng hơn ba trăm mét vuông. Người ngoài nhìn vào cứ bảo bà khó tính, họ đâu ngờ mọi chuyện lại bắt đầu từ chính những đứa con dâu của bà.
Mà cũng đâu có chuyện gì to tát. Ban đầu bà cứ nghĩ khoảng cách tuổi tác sẽ giúp chúng biết chia sẻ với nhau hơn, nhưng bà đã nhầm. Hôm đi ăn cưới ở đâu về, Ngọc - cô con dâu nhỏ diện một chiếc váy ngắn quá gối, phía trước hở ngực, phía sau thì trống đến ngang eo, để lộ tấm lưng trần trắng nõn. Thấy vậy, con cháu vừa bước qua tuổi mười lăm chạy ra đon đả chào thím:
- Trông thím cứ như người của "xô - bít" bước ra vậy!
Chưa kịp vui trước câu nói của cháu thì Ngọc đã nghe thấy tiếng Xuân - chị dâu ở trong bếp vọng ra như xỉa xói:
- Mày cứ liệu hồn, lo mà học hành cho tới nơi tới chốn, sau còn kiếm cho được tấm chồng tử tế, ít ra cũng được như chú mày, chả mấy khi buồn ngủ gặp chiếu manh đâu con ạ.
Ngọc nghe tức lộn ruột, nhưng cũng không vừa đáp trả:
- Mẹ cháu nói phải đấy, cố mà học cho giỏi, cẩn thận ở đời lắm khi kẻ cắp mà gặp bà già thì lại khốn. Bà Lành ngồi ở phòng khách nghe chuyện mà lắc đầu ngao ngán…
Cứ thế, chuyện hai đứa con dâu trở thành chủ đề bàn tán trong xóm, thậm chí có lần bà Mai, nhà ở đầu ngõ còn kéo tay nhắc khéo:
- Bà về nhắc nhở con Ngọc, sống phải biết chắt bóp một chút, tôi nghe chị Xuân bảo em dâu cháu sành điệu lắm, đồ gì trên người nó cũng tiền triệu, sống phung phí như thế mấy mà tán của!
Bà Lành phân vân không biết sẽ khuyên nhủ Ngọc thế nào cho phải, thật ra bà cũng không quá hoài cổ, bà chỉ căn dặn con cái trong nhà biết ăn mặc, tiêu pha chừng mực.
Bẵng đi ít lâu, một hôm bà Lành có dịp về phía nhà Ngọc ăn giỗ, chỗ thông gia, mẹ Ngọc ra tận ngõ đón bà rồi đon đả:
- Bà dạo này trẻ ra, cái áo bà mặc đẹp quá, thảo nào con Ngọc mỗi lần về thăm mẹ đều khen mẹ chồng con sành điệu lắm, còn hơn cả chị dâu nữa đấy chứ. Thời buổi này phải thế bà ạ, tuềnh toàng, nhếch nhác quá, người ta cười cho. Bà Lành phần nào hiểu được ý của thông gia nhưng cũng chỉ biết bấm bụng thở dài.
Hôm nay, bà Lành ốm, bà nhờ người đánh tiếng để hai đứa con dâu về cùng lúc. Cũng lâu lắm rồi bà mới có dịp gặp cả Xuân và Ngọc như thế. Trong câu chuyện của ba người phụ nữ bên giường bệnh, bà Lành bắt đầu kể về cuộc đời của mình. Chồng đi bộ đội, một mình bà vất vả mới nuôi được hai anh con trai khôn lớn trưởng thành, tưởng lúc già cả, đau ốm có con cháu quây quần đỡ đần sớm hôm, vậy mà vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình, giờ mỗi người có một cuộc sống riêng.
Người ta nói: Trẻ cậy cha, già cậy con, đời bà chỉ mong con cái biết thương yêu, đùm bọc, bảo ban nhau. Rồi bà nói với Ngọc, suốt chặng đường chồng con đi đều có chị Xuân đỡ. Ngày nó vào đại học, chị Xuân đã không ngần ngại bán đi cả một con lợn giống và mấy thùng thóc để có tiền cho em nhập học. Ra trường, chị cũng phải chạy vạy khắp nơi để lo xin việc cho em. Nếu Ngọc về làm dâu với bồng bềnh váy trắng, phấn son rực rỡ thì ngày cưới chị Xuân, cuộc sống gia đình còn khó khăn bà chỉ lo được chiếc áo nâu sòng cho cô dâu và rổ khoai lang mời bà con xóm giềng. Do đó, dù gì con cũng biết yêu thương và kính trọng chị dâu.
Về phần Xuân, bà hiểu những ấm ức trong lòng của người phụ nữ gần nửa đời gánh vác trọng trách nhà chồng nhưng là chị cả con nên bao dung, rộng lượng, ở đời "ăn theo thuở, ở theo thời" , hơn nữa con Ngọc không phải là đứa không biết sống, năm ngoái khi chị bị tai nạn, em dâu cũng cho máu. Vì vậy trong huyết mạch của con còn có dòng máu của con Ngọc… Dù không máu mủ ruột rà, nhưng tình người là quan trọng nhất...
Không biết những lời nói của mình có sức lay động đến đâu, nhưng nói đến đây bà Lành thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên khuôn mặt của hai đứa con dâu của mình, có lẽ sau bao sự trăn trở, suy tư, hai đứa con dâu đã bắt đầu hiểu được tâm can của bà.
SÔNG CÔN