Là nạn nhân chất độc da cam thế hệ thứ 2 nhưng chị Nguyễn Thị Chanh (sinh năm 1973) ở xã Cộng Hòa (Nam Sách, Hải Dương) đã khắc phục khó khăn, vươn lên thành chủ cơ sở may gia công, tạo việc làm cho gần chục lao động địa phương.
Chị Chanh là con ông Nguyễn Kim Định. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1965, ông Định lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở chiến trường Khe Sanh (Quảng Trị) trong khoảng 4 năm. Khi về địa phương, dù bị nhiễm chất độc hóa học nhưng ông Định tích cực tham gia công tác và từng là Bí thư Đảng ủy xã Cộng Hòa.
Khi sinh ra, chị Chanh bị gù đốt sống bẩm sinh và ngày càng gù thêm nên không làm được việc nặng. Thương con gái, bố mẹ đã động viên chị học nghề may. Lúc bấy giờ, nghề may vẫn còn mới, xa lạ với nhiều người. Để học được nghề, chị phải lên TP Hải Dương ở trọ học.
Hơn 1 năm sau chị Chanh thành thạo nghề và mở cửa hàng may tại nhà. Nhờ khéo léo, những bộ đồ chị may vừa ý nên khách hàng đến cửa hàng ngày càng nhiều. Sau đó, chị Chanh đi làm công nhân may tại một số công ty trong huyện. Năm 2020, khi tuổi cao, chị Chanh nghỉ làm để mở xưởng riêng. Chị cũng được bố mẹ hỗ trợ mua máy móc, chuẩn bị mặt bằng cơ sở may.
Cái khó nhất khi tự làm nghề may độc lập là chị Chanh phải tự lo liệu mọi thứ, từ tìm nguồn hàng, kiểm định chất lượng sản phẩm… Tuy nhiên, nhờ kinh nghiệm làm nghề lâu năm, có nhiều mối quen biết nên chị đã nhận gia công sản phẩm cho một công ty tại huyện Tứ Kỳ. Hiện nay, cơ sở gia công của chị Chanh có cán bộ kỹ thuật kiểm định chất lượng trước khi xuất hàng nên lỗi kỹ thuật giảm đi rất nhiều, sản phẩm không còn bị trả lại như trước đây.
Hiện trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị xuất khoảng 20.000 sản phẩm các loại, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng. Cơ sở may giải quyết việc làm cho gần chục lao động địa phương với thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thủy, năm nay đã 50 tuổi, làm tại cơ sở của chị Chanh hơn 1 năm cho biết: “Sau khi nghỉ tại công ty, tôi xin vào đây làm và được chị Chanh tạo mọi điều kiện làm việc. Làm việc gần nhà, tôi có thể tranh thủ thời gian đưa đón cháu đi học, thu nhập lại ổn định nên yên tâm”.
Nhận xét về chị Chanh, chị Nguyễn Thị Hiệp, cán bộ lao động, thương binh, xã hội xã Cộng Hòa cho biết: “Đây là mô hình kinh tế tiêu biểu của địa phương bởi chị Chanh không chỉ vượt lên số phận mà còn tạo việc làm cho chị em khác. Chị Chanh cũng tích cực tham gia công tác từ thiện, đóng góp tại địa phương”.
Chị Chanh mong muốn sức khỏe ổn định trong những năm tới để có thể mở rộng xưởng, tạo thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho chị em trong xã.
THANH HÀ