Nhiều người đang ngày đêm canh giữ "thành lũy xanh" vẫn mong mỏi có quy định mới cụ thể, phù hợp hơn với từng dạng địa hình đê điều để có động lực, kinh phí kịp thời bảo vệ, chăm sóc hàng tre chắn sóng.
Hiện nay, chế độ cho người giữ gìn, bảo vệ tre chắn sóng vẫn được thực hiện theo Quyết định số 3135/QĐ-UB ngày 28.10.1997 của UBND tỉnh quy định về cơ chế chính sách, quản lý, sử dụng đất trong hành lang bảo vệ đê phía sông và trồng tre chắn sóng bảo vệ đê. Theo đó, mỗi hộ, cá nhân ký hợp đồng giao khoán trồng tre chỉ giới hạn không quá 200 m dài dọc tuyến đê với thời hạn ký hợp đồng từ 7 - 10 năm. Khi thực hiện đúng hợp đồng, người nhận khoán được quyền sử dụng phần diện tích còn lại ngoài diện tích hàng tre đã chiếm chỗ để cấy lúa, trồng hoa màu ngắn ngày và hưởng lợi từ những cây trồng này mà không phải nộp cho nhà nước. Khi tre phát triển tốt, đủ điều kiện khai thác, người nhận khoán được hưởng % lợi ích kinh tế của số tre cho khai thác.
Quyết định 3135 cũng nêu rõ người nhận khoán nhất thiết phải sử dụng phần đất trong hành lang bảo vệ đê để đầu tư, sử dụng vào việc trồng, chăm sóc bảo vệ hàng tre chắn sóng. Nếu người nhận khoán không tích cực hoặc lợi dụng việc sử dụng đất để sản xuất khác thu lợi làm tre chết, không phát triển, bị hủy diệt dần hoặc vi phạm Pháp lệnh Đê điều thì tùy theo mức độ mà bị xử phạt hành chính hoặc theo pháp luật và thu hồi hợp đồng giao khoán.
Trước đây, tre được sử dụng để dựng nhà, làm đồ dùng sinh hoạt và dụng cụ sản xuất nên có giá trị kinh tế khá. Hiện nay, việc sử dụng tre ít dần, giá trị kinh tế thu được từ cây tre rất thấp. Trong khi đó, nhiều đoạn đê được kè đá, đất cằn cỗi lại không có bãi, người dân khó canh tác, trồng cây ngắn ngày để hưởng lợi. Mặt khác, Quyết định 3135 chỉ cho phép một chủ thể nhận khoán không quá 200 m nên có những đoạn đê có bãi bồi đẹp, màu mỡ nhưng người dân cũng không thể trồng rau màu quy mô lớn, khai thác cho hiệu quả kinh tế cao.
Đến năm 2018, tỉnh ta đã có hệ thống tre chắn sóng dài 293 km, góp phần quan trọng bảo vệ các tuyến đê khi có bão, lũ lụt. Tuy nhiên, việc quản lý, chăm sóc hàng tre hiện còn nhiều bất cập. Nhiều vị trí tre già cỗi không được tỉa gốc, các hàng tre thưa không được trồng dặm thường xuyên, có vị trí tre bị đốt, chặt hạ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự an toàn của những tuyến đê khi mùa mưa bão đến. Nhiều người đã từng đem tre lên đê trồng và chăm chút cho xanh tốt đến hôm nay không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh tượng này.
Giá trị cây tre bị giảm sút, chế độ không phù hợp, nhiều người không còn mặn mà với việc trông giữ, chăm sóc tre dẫn đến tình trạng bỏ bê hàng tre chắn sóng. Cơ quan chức năng khó quản lý, bảo vệ hàng tre do địa bàn rộng, khó quy trách nhiệm khi phát hiện nhiều hành vi phá hoại trong thời gian qua.
Năm 2018, nhận thấy những bất cập trong chế độ cho người nhận khoán tre chắn sóng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát việc giao khoán tre để xem xét tính hợp lý, sự phù hợp và nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 3135 nhưng sau đó chưa tham mưu UBND tỉnh ra văn bản mới vì gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý. Đến nay, chế độ cho những người này vẫn theo quy định cũ, dù không còn phù hợp. Hàng tre chắn sóng cũng chưa được quan tâm đúng mức khi không có kinh phí hỗ trợ mua phân bón, tu bổ, chăm sóc hằng năm. Nhiều người đang ngày đêm canh giữ "thành lũy xanh" vẫn mong mỏi có quy định mới cụ thể, phù hợp hơn với từng dạng địa hình đê điều để có động lực, kinh phí kịp thời bảo vệ, chăm sóc hàng tre chắn sóng.
NHƯ LINH