Đi trên một con phố đông đúc ở Colombia, Nguyễn Noah bị nhóm cướp cầm dao tấn công, lấy đi chiếc máy ảnh.
Nguyễn Noah (Lại Ngứa Chân) vẫn còn một vài vết sẹo nhỏ ở chân - dấu tích từ vụ cướp ở Colombia năm 2019. Các chuyến đi của Noah thường tiềm ẩn nguy hiểm. Tuy nhiên, đam mê khám phá vùng đất mới, độc lạ khiến đôi chân anh không thể ngừng lại.
Khoảng 10 năm trước, Noah bắt đầu nuôi mộng đi hết các nước trên thế giới. Tháng 4.2021, anh từng đăng một video tóm tắt 107 quốc gia đã đi qua. Từ đó tới nay, anh đăng tải thêm nhiều video về hành trình chinh phục gần 40 quốc gia khác và cho biết đã đặt chân đến 165 quốc gia.
Theo Noah, khi đã đi được khoảng 70, 80 nước, anh thấy mục tiêu đi hết các nước trên thế giới "không viển vông", "chắc chắc thực hiện được". Vì vậy, mục đích của các chuyến đi bắt đầu thay đổi. Thay vì đi đủ 195 quốc gia, Noah muốn dành thời gian hiểu sâu hơn về những khía cạnh ít biết của từng nơi.
"Có lẽ tôi hơi ngược với số đông khi thích đến những nơi chậm phát triển, ít người đi", anh nói.
Trong mắt Noah, những quốc gia như Afghanistan, Iraq không có nhiều nguy hiểm. Thậm chí, anh còn thấy người dân ở những nơi này thân thiện và mến khách. Thách thức thực sự với Noah nằm ở châu Phi, nơi thông tin du lịch tương đối hạn chế.
Nước "khó" đầu tiên Noah đặt chân tới là Mauritania - nơi nổi tiếng với những người phụ nữ phải "ăn nhiều để đẹp". Nhưng trải nghiệm mạo hiểm phải kể đến lần ngủ trên con tàu Train du Desert - một trong những chuyến tàu dài nhất thế giới, chạy dọc theo sa mạc Sahara trong 20 giờ với tổng quãng đường 704 km. Tàu có hơn 200 toa và chỉ hai toa chở khách, số còn lại dùng để chở quặng sắt.
Không chỉ nổi tiếng vì hành trình 704 km, con tàu còn thách thức những người mạo hiểm vì sự độc hại của quặng sắt. Để tăng phần kịch tính cho chuyến đi, Noah quyết định bắt đầu hành trình trên toa chở quặng. Cho đến khi tàu dừng lại, Noah liên tục phải lấy tay giữ tấm trùm mặt để giảm thiểu hít phải quặng lúc nằm.
Noah cho biết đoàn tàu này hay vô số điểm đến "khó" khác ở châu Phi đều có ít thông tin công khai. Du khách tới đây chủ yếu phải tự "thực chiến".
Khi đạt tiêu chí về các nước đã đi qua, Noah gia nhập một nhóm mạng xã hội của những người cùng chung mục tiêu đi hết thế giới. Tại đây, anh có thể tìm thấy những thông tin quý giá, không xuất hiện trên mạng như thông tin về một số người hướng dẫn địa phương để tiếp cận các khu vực khó khăn.
Tại Haiti, Noah liên hệ được một người hướng dẫn địa phương để đưa anh đi thăm thú. Noah nhận xét Haiti "hỗn loạn" với các băng đảng đấu súng, thanh toán nhau. Anh còn gặp cảnh một nhóm băng đảng thua cuộc và bị thiêu ngay trên đường phố. Trên trang cá nhân, anh cũng đăng tải video quay lại cảnh đấu súng của các băng nhóm và thừa nhận những ngày ở Haiti, anh luôn sống trong lo sợ vì "có thể bị giết bất cứ lúc nào".
Cộng hòa Trung Phi cũng là một nước bất ổn về chính trị. Khi tới đây vào năm ngoái, Noah được khuyên không ra khỏi thủ đô vì ở trong thủ đô "cũng đã đủ nguy hiểm". Nếu ra khỏi phạm vi thủ đô, nguy cơ bị các phiến quân bắt, giết rất cao. Dù vậy, anh vẫn quyết tâm ra ngoài khám phá và may mắn không có chuyện gì xấu xảy ra.
Tuy gặp may trong các chuyến du lịch châu Phi, Noah lại có trải nghiệm "sợ nhớ đời" khi đến Colombia. Trên con phố đông đúc người, Noah thấy một người đàn bà trông có vẻ nghiện ngập ngồi trước cửa nhìn anh chằm chằm. Một lúc sau, bà ta xuất hiện cùng hai thanh niên cầm dao, lao vào cướp đồ. Dù chống trả quyết liệt, anh vẫn bị cướp đi chiếc máy ảnh, toàn thân bầm dập, người có thêm vài vết sẹo theo đến tận bây giờ.
"Mọi người trên phố chỉ nhìn nhưng không ai vào giúp tôi", anh kể.
Dù liên tục đi đến các quốc gia "khó" và không ít lần rơi vào tình thế nguy hiểm, Noah khẳng định không "lao đầu như con thiêu thân để làm anh hùng". Ví dụ, ở Haiti, khi nghe người hướng dẫn nói tìm ngay nơi trú ẩn vì có "điều gì đó không ổn" sắp xảy ra, anh lập tức làm theo. Sau đó, một vụ đấu súng đã nổ ra.
Với anh, những trải nghiệm nguy hiểm đem đến nhiều kinh nghiệm và bài học đáng giá cho hành trình sắp tới. Tuy nhiên, lao đầu vào chỗ chết chỉ để quay video là điều anh không bao giờ làm.
"Cảm giác thấp thỏm, sợ hãi luôn lởn vởn quanh những chuyến đi nhưng kiến thức có được lại là phần thưởng vô giá", anh nói.
Một năm, Noah đi khoảng 6-7 chuyến, mỗi chuyến kéo dài từ 5 đến 10 tuần. Do làm công việc tự do, Noah không bị ràng buộc nhiều về thời gian. Anh thường kết hợp 2 hoặc 3 nước trong cùng hành trình.
Noah nói cũng đến những thành phố, điểm du lịch phổ thông nhưng "thực sự không hứng thú". Anh không phải mẫu người có thể nằm dài tắm nắng bên bãi biển bởi luôn cảm thấy "ngứa chân". Chuyến đi đắt nhất của Noah là tới một số quốc đảo ở khu vực Thái Bình Dương như Samoa, Tonga với chi phí vài nghìn USD nhưng anh kết luận trong một từ: chán.
Anh có hứng thú với những bộ lạc trên thế giới. Trong hành trình khám phá châu Phi, Noah đã ghé thăm nhiều bộ lạc như Dupa (bộ lạc mặc lá ở Cameroon), Dupa (bộ lạc xăm mặt ở Cameroon), Mwila (bộ lạc bện tóc bằng phân bò ở Angola) hay San Bushmen - bộ lạc lâu đời nhất thế giới tại Namibia. Trong chuyến ghé thăm Indonesia hồi năm ngoái, Noah cũng trò chuyện với những thành viên trong bộ lạc từng ăn thịt người.
"Tìm hiểu về những bộ lạc luôn là điều thú vị. Việc ghé thăm họ cũng gặp khá nhiều khó khăn vì khác biệt ngôn ngữ, phương tiện đi lại thiếu thốn", anh nói.
Noah thất vọng vì có những bộ lạc đang dần thương mại hóa, mất đi chất tự nhiên. Anh thích tìm hiểu đời sống thực của họ nhưng những gì nhận được thường là "đưa tiền và xem họ diễn" như bộ lạc Mursi (Ethiopia) nổi tiếng với phong tục đeo vành môi.
Noah cho biết đang trên đường chinh phục hơn 30 quốc gia còn lại để hoàn thành hành trình vòng quanh thế giới. Mục tiêu lớn nhất của anh là Triều Tiên, quốc gia vẫn đóng cửa từ dịch. Để tới quốc gia này, du khách bắt buộc phải đi theo chương trình tour.
Với những người Việt cũng thích du lịch mạo hiểm, Noah có duy nhất một lời khuyên: Hãy sống với đam mê nhưng cũng cần tìm các cách an toàn để thực hiện.
Theo VnExpress