Lê Khả Giáp, một YouTuber người Việt chuyên đi du lịch, khám phá các vùng miền trên khắp thế giới đã ghé thăm và ngủ qua đêm với người dân bộ tộc Mursi ở miền nam Ethiopia.
Đây là một trong những bộ tộc hiếm hoi còn duy trì lối sống hoang dã và tách biệt với thế giới hiện đại.
Cảm xúc của họ khá thất thường - có lúc rất cởi mở, thân thiện với khách du lịch nhưng cũng có khi họ trở nên hung dữ và không chào đón người lạ.
Trước khi đại dịch Covid-19 tấn công, người dân bộ tộc Mursi sống chủ yếu nhờ khách du lịch. Một người phụ nữ trong làng cho biết, chị có thể kiếm được mỗi ngày khoảng 500.000 đồng từ khách du lịch.
Nhưng từ khi Covid-19 xảy ra, họ không có khách ghé thăm nữa. Vì thế, họ buộc phải tìm cách sinh tồn giống như cách mà cha ông họ từng làm, đó là trồng trọt và săn bắt.
Ngày nay, họ trồng khá nhiều cây lương thực để có nguồn thức ăn ổn định, đặc biệt là cây mao lương. Họ cũng hạn chế việc săn bắt, thay vào đó họ nuôi bò để có nguồn thịt cung cấp cho các hộ dân.
Người Mursi sống du mục, khoảng 7 năm sẽ đổi chỗ ở một lần. Nơi ở của họ là những túp lều tròn, làm bằng gỗ, phủ lên bằng lá cây khô. Cổng nhà rất nhỏ, phải cúi xuống mới có thể chui vào được.
Anh Giáp ghé thăm ngôi làng đông đúc và thân thiện nhất của bộ tộc Mursi này đúng vào ngày đàn ông đi chăn bò, phụ nữ bận đi chăm cây nên số người còn lại ở làng không nhiều.
Cao lương là cây trồng phổ biến của người Mursi. Sau khi nếm thử món ăn này, anh Giáp nhận xét nó khá dễ ăn. Ngoài cao lương, họ còn ăn rau xanh mọc tự nhiên bằng cách chế biến rất đơn giản là luộc chín.
Ngày nào những người đàn ông trong làng đi săn được động vật thì hôm đó cả làng sẽ được ăn thịt. Để nấu chín thức ăn, người Mursi dùng que gỗ để đánh lửa đúng như cách của người nguyên thủy.
Mặc dù đã có tiến bộ trong việc chăn nuôi, trồng trọt nhưng lượng thức ăn hàng ngày không cung cấp đủ dinh dưỡng cho họ. Vì thế, nam giới đi chăn bò thường bổ sung dinh dưỡng bằng cách uống tiết và sữa bò.
Họ dùng một dụng cụ giống chiếc cung tên, đứng thật gần con bò để bắn vào đúng điểm lấy tiết. Tiết bò sẽ chảy ra và chỉ để lại một vết nhỏ ở phía cổ. Sau đó, con bò vẫn có thể sống khỏe mạnh.
Tiết bò được uống tươi sống ngay sau đó. Một người đàn ông khi uống tiết bò xong, sẽ lấy phân bò lau miệng và bôi lên mặt để cảm ơn thần linh đã ban tặng cho anh thức ăn.
Những người đàn ông đi chăn bò thường đi từ 10-15 ngày mới về lại làng bởi vì địa điểm đi chăn thường cách làng khoảng 10km.
Một điều đặc biệt là người dân làng này không ăn cá vì họ cho rằng cá chỉ dành cho người nghèo, cho những làng khác nghèo hơn. Còn họ là làng đông dân và khá giả nhất trong số các ngôi làng của người Mursi.
Trong khi người đàn ông đi chăn bò và săn bắt thì phụ nữ ở nhà trồng trọt, nấu ăn và làm tất cả những công việc khác.
Những người phụ nữ ở đây có một loại trang sức rất đặc biệt là những chiếc khuyên tai rất to. Ngay từ khi còn nhỏ, dái tai của người phụ nữ đã được cắt ra để vừa với chiếc khuyên này.
Tương tự tai, môi dưới của họ cũng được cắt ra để đeo những chiếc đĩa hình tròn. Theo thời gian, vòng môi của họ ngày một lớn vì sức nặng của chiếc đĩa. Một số người phụ nữ lớn tuổi còn bị đứt môi và dái tai.
Việc cắt môi và đeo trang sức chỉ để làm đẹp theo quan niệm của họ, nên không bắt buộc. Đó là lý do hầu hết những cô gái trẻ ngày nay của bộ tộc không còn làm vậy nữa.
Thêm một thông tin thú vị mà người dẫn đường cung cấp cho anh Giáp, đó là để lấy được vợ, đàn ông ở đây phải trải qua một cuộc chiến bằng những chiếc gậy.
Ai chiến thắng sẽ được chọn người phụ nữ mình thích làm vợ. Cuộc chiến này từng khiến nhiều thanh niên bị thương, thậm chí là thiệt mạng.
Để cưới được cô gái ấy, người đàn ông còn phải chuẩn bị lễ vật là 42 con bò – một mức lễ vật rất đắt đỏ so với các ngôi làng khác.
Mặc dù cuộc sống của người Mursi vẫn hoang dã và nguyên thủy nhưng khoảng 1 tuần 1 lần họ cũng đi chợ ở thị trấn Jinka cách đó 70km để mua rau, muối, rượu… phục vụ sinh hoạt.
Sau một ngày làm việc, người Mursi ngồi quây quần trò chuyện quanh bếp lửa, trẻ con nhảy múa, hát hò. Cuộc sống của họ cứ mỗi ngày trôi qua như vậy, vô lo vô nghĩ.
HQ (theo Vietnamnet)