Đời sống văn hóa

Chàng trai 9X Nam Chi say mê mỹ thuật dân gian

LINH LINH 04/09/2024 15:00

Anh Nguyễn Văn Bắc (sinh năm 1996) quê ở TP Hải Dương là họa sĩ tranh dân gian được biết đến với nghệ danh Nam Chi. Say mê tranh dân gian từ nhỏ, chàng trai 9X này đã tìm tòi, nghiên cứu, tìm cách phát triển dòng tranh này.

hbh_3314.jpg
Họa sĩ trẻ Nam Chi đam mê dòng tranh dân gian truyền thống

Mê dòng tranh truyền thống

Gia đình không ai làm nghệ thuật nhưng họa sĩ Nam Chi đã bén duyên với môn hội họa từ nhỏ. Hồi còn học tiểu học, khi được tiếp xúc với bức tranh “Quan Âm” trong sách giáo khoa, anh đã đắm đuối và say mê dòng tranh dân gian này. Sau này, khi học Đại học Mỹ thuật công nghiệp, được tiếp xúc nhiều hơn, anh quyết định theo đuổi dòng tranh dân gian. Hiện anh đang tìm hiểu sâu 2 dòng tranh dân gian là Hàng Trống và Kim Hoàng. Ngoài ra, anh cũng đang tìm hiểu thêm kỹ thuật làm giấy sắc phong.

dsc_4455.jpg
Họa sĩ Nam Chi còn tìm hiểu thêm kỹ thuật làm giấy sắc phong

Càng tìm hiểu và nghiên cứu sâu, Nam Chi càng nhận thức rõ những giá trị độc đáo của nghệ thuật Việt Nam. Anh cảm nhận được vẻ đẹp của dòng tranh này không chỉ ở những đường nét, màu sắc mà đằng sau đó còn là ý nghĩa mà cha ông ta đã gửi gắm. Đó là quan niệm sống, những lời châm biếm, răn dạy và bài học truyền lại cho thế hệ sau. Ví dụ như bức tranh “chim công, cá chép" thể hiện sự sinh sôi, nảy nở, đầm ấm, hạnh phúc. Hay dòng tranh Kim Hoàng có bức tranh “đôi thần kê" gắn liền với những bài thơ tả vẻ đẹp của con gà đầu ngẩng cao, thân như phượng, đuôi to, dáng hùng dũng, khi cất tiếng gáy xua đuổi được tà ma. Còn bức tranh “tố nữ" thể hiện vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam với dáng ngồi, cách chơi đàn, trang phục phong phú…

img_7596.jpg
Nam Chi thực hiện kỹ thuật pha màu mực để in nét cho tranh

Hành trình vất vả theo đuổi đam mê

Khi theo đuổi dòng chảy mỹ thuật dân gian này, họa sĩ trẻ gặp rất nhiều khó khăn. Vì bản thân anh không phải “con nhà nòi", không xuất phát từ làng nghề để biết được quy trình tạo ra một bức tranh. Đặc trưng của tranh truyền thống là nghề cha truyền con nối nên anh gặp khó khăn khi thu thập kiến thức và đưa vào thực tế. Anh đã bỏ công điền dã đến nhà các nghệ nhân để tìm hiểu và học hỏi các kỹ thuật vẽ tranh truyền thống.

paratime.vn-221217-0279-84104e6761e8ccd874f1639534886980(1).png
Nam Chi thực hiện kỹ thuật in bản nét cho tranh

Ở Việt Nam, chất liệu cho dòng tranh này là giấy dó. Thời gian đầu, do không tìm được nguồn cung cấp giấy dó nên anh thử vẽ trên giấy mỹ thuật nhưng không như kỳ vọng.

1672730865009-fbc1648ee423d0710f409f1cad6aaf34(1).jpg
Nam Chi cùng nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Lê Đình Nghiên

“Nhiều người thường sử dụng màu phẩm nhưng độ bền không cao, chỉ được vài năm là bay màu. Tôi tìm hiểu, nghiên cứu lại và quyết định chọn chất liệu màu tự nhiên như cách làm của các nghệ nhân ngày xưa. Màu khoáng mất công, kỹ thuật làm nhưng khi nghiền đủ độ keo thì màu tươi và bền”, Nam Chi nói.

Khó khăn tiếp theo khi làm nghề với một chàng trai 9X là nguồn tiêu thụ bức tranh để có kinh tế theo đuổi môn nghệ thuật này. Khi chưa có đầu ra cho tranh, để có kinh phí trang trải, anh đã phải làm những nghề khác. Sáng đi học, chiều đi làm, tối về lại cặm cụi vẽ tranh. Khi có tác phẩm, anh chụp ảnh, giải thích ý nghĩa của từng bức tranh đăng lên mạng xã hội, được mọi người thích thú, ủng hộ nên anh có lượng khách hàng tiềm năng nhất định. Những thử thách này càng khiến Nam Chi kiên định hơn với lựa chọn của mình.

328996459_1538906536520077_2604272614733817041_n.jpg
Bức tranh "Kỳ lân tống tử" của họa sĩ trẻ

Nam Chi theo nghề đến nay là năm thứ 8, anh không nhớ rõ đã vẽ bao nhiêu bức tranh. Trong số này, có những bức tranh vẽ theo mẫu truyền thống, có tranh vẽ theo ý tưởng của khách hàng nhưng cũng có tranh vẽ bằng sự sáng tạo của bản thân.

f06c883f2fd78b89d2c6.jpg
Bức tranh Quan Âm với họa tiết dát vàng là bức tranh ấn tượng do Nam Chi thực hiện

Ấn tượng nhất trong quá trình làm nghề của anh là bức tranh Quan Âm khổ 60 x 120 cm. Với yêu cầu cao của khách hàng, anh phải đi nghiên cứu lại từ đầu về hoa văn, kiến trúc đình làng từng thời để có thể áp dụng đưa vào sản phẩm. Bức tranh Quan Âm đó được vẽ với phong thái, trang phục, hoa văn, màu sắc hoàn toàn của người Việt. Đặc biệt, bức tranh được sử dụng kỹ thuật dát vàng, nghiền vàng để vẽ hoa văn.

Sáng tạo nhưng không phá cách

Là họa sĩ trẻ, khi theo đuổi dòng tranh dân gian, Nam Chi có biến tấu, sáng tạo nhưng vẫn dựa trên cốt lõi của tranh dân gian truyền thống mà cha ông ta đã để lại chứ không phá cách. “Bởi nằm sâu trong từng bức tranh là những tầng lớp, ý nghĩa không chỉ mang giá trị nghệ thuật mà còn mang giá trị lịch sử của dân tộc. Vì vậy tôi luôn muốn giữ gìn bản sắc, vẻ đẹp, yếu tố hồn cốt tạo nên con người Việt Nam”, anh Nam Chi nói.

img_7634.jpg
Ứng dụng tranh dân gian trên quạt giấy

Bằng nỗ lực của mình, Nam Chi đã cho ra mắt nhiều mẫu tranh mới kế thừa từ những dòng tranh truyền thống nhưng cũng kết hợp cả kỹ thuật đồ họa. Những bức tranh này không chỉ đơn thuần sử dụng các hoa văn của tranh Hàng Trống như hoa văn xoáy, chữ thọ mà còn được Nam Chi nghiên cứu tư liệu lịch sử về trang phục các thời Lê, Nguyễn đưa vào tác phẩm để đem đến giá trị nghệ thuật cao hơn cho bức tranh.

Đến nay, Nam Chi đã bước đầu thành công khi tranh của anh đã được nhiều bảo tàng chọn để trưng bày như Bảo tàng Hải Dương, Bảo tàng Huế, Bảo tàng Đà Nẵng... Tại Bảo tàng Hải Dương, Nam Chi từng được trưng bày nhiều bức tranh cả Hàng Trống và Kim Hoàng.

1672730725399.jpeg
Một buổi trải nghiệm về tranh dân gian ở Bảo tàng Hà Nội được nhiều bạn nhỏ quan tâm

Theo nam họa sĩ, để tranh dân gian tiếp cận được nhiều bạn trẻ, thì không chỉ quảng bá trên mạng xã hội mà cần ứng dụng họa tiết trên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như đèn, quạt, hộp bánh…

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hải Dương Đỗ Đình Quyết nhận xét: Trong tranh của Nam Chi thấy rõ sự khéo léo, tài tình của việc sử dụng nguyên liệu, màu sắc trong nghệ thuật tạo hình, từ đó giúp ta cảm nhận được “vừa cổ vừa kim”, tức là vừa mang âm hưởng của sự hoài cổ cũng như hơi hướng hiện đại. Trong những năm qua, Nam Chi đã hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh Hải Dương 13 bộ hiện vật gồm hơn 30 bức tranh với nhiều đề tài khác nhau. Đây là những bức tranh đầy ý nghĩa của một hoạ sĩ trẻ. Giữa cuộc sống hiện đại, cái trân quý chính là bảo tồn và phát triển dòng tranh dân gian mà hoạ sĩ trẻ Nam Chi đã và đang làm được.

LINH LINH
(0) Bình luận
Chàng trai 9X Nam Chi say mê mỹ thuật dân gian