1. Nguyên tắc chăn nuôi an toàn sinh học
- Cách ly: Việc cách ly là sự kiểm soát người, động vật và các phương tiện ra vào trại. Thực hiện các thói quen như thay giày dép, áo quần và sát trùng trước khi ra, vào trại hoặc sau mỗi lần vào chuồng nuôi.
Luôn bố trí hố sát trùng ngay cửa ra vào trại để người, phương tiện trước khi ra vào trại đi qua giúp loại trừ mầm bệnh không theo giày dép, phương tiện xâm nhập vào trại…
- Làm sạch: Loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ có chứa tác nhân gây bệnh bám trên bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, tường và trần nhà. Làm sạch gồm các bước như quét dọn phân rác để ủ nhiệt nhằm diệt mầm bệnh hoặc dùng nước xà phòng cọ rửa các thiết bị, dụng cụ, sàn, tường, vách chuồng để loại bỏ các tác nhân gây bệnh.
- Khử trùng: Sử dụng các loại hóa chất sát trùng để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh còn lại sau khi đã tiến hành vệ sinh làm sạch. Việc khử trùng chỉ đạt được hiệu quả khi đã làm vệ sinh cơ giới tốt các vật dụng và khu vực cần phun. Sử dụng hóa chất khử trùng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và nhà sản xuất.
2. Yêu cầu về chuồng trại và vật tư thiết bị chăn nuôi
- Khu vực chăn nuôi phải bảo đảm cách ly khu dân cư, trường học, đường giao thông, có hàng rào bao quanh hoặc nơi biệt lập; động vật luôn được nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng.
- Chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Hướng chuồng phù hợp: ấm về mùa đông, mát về mùa hè. Có nơi thu gom và xử lý chất thải, thức ăn dư thừa và bố trí hố sát trùng ở cửa ra vào, đầu mỗi dãy chuồng nhằm hạn chế sự lây nhiễm khi có dịch bệnh xảy ra.
- Mật độ và diện tích chuồng nuôi phù hợp.
3. Chăm sóc, phòng trị bệnh
- Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, vệ sinh công nhân để diệt mầm bệnh. Kiểm tra sức khỏe vật nuôi vào đầu giờ sáng hằng ngày, theo dõi việc ăn uống của vật nuôi. Cách ly những con có biểu hiện khác thường, chẩn đoán tìm nguyên nhân và điều trị nếu cần thiết. Nếu có vật chết thì phải thực hành tiêu hủy ngay theo hướng dẫn của cơ quan thú y, tốt nhất là tiêu hủy tại trang trại.
- Thức ăn cho vật nuôi phải bảo đảm chất lượng, nước uống phải sạch. Khẩu phần thức ăn tùy theo từng lứa tuổi, từng mùa và đáp ứng được yêu cầu phát triển của vật nuôi; không được sử dụng lại thức ăn thừa của những vật nuôi khác và thức ăn thừa của con người mà trong đó có thực phẩm là động vật.
- Thực hiện lịch tiêm phòng các loại vaccine cho vật nuôi. Lập sổ ghi chép đầy đủ, chính xác về thông tin các loại thuốc và vaccine sử dụng.
NGUYỄN MINH ĐỨC
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hải Dương