Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xem việc xây dựng đội ngũ cán bộ là vấn đề hệ trọng, là khâu “then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Thế nhưng, những năm gần đây, các biểu hiện “chạy chức, chạy quyền” đã trở thành tệ nạn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, nhức nhối trong xã hội, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ.
Chúng ta đã chứng kiến những trường hợp “chạy” điểm khi đi học, “chạy” việc khi tốt nghiệp, “chạy” biên chế, “chạy” chỗ trước khi quy hoạch cán bộ, “chạy” chức trước khi bổ nhiệm, “chạy” luân chuyển sang chỗ nhiều “lộc” hơn, “chạy” tuổi để kéo dài thời gian công tác, “chạy” tội khi bị điều tra, xét xử...
Trịnh Xuân Thanh là ví dụ điển hình của tệ nạn “chạy chức”. Vốn chưa phải là một cán bộ có năng lực nhưng nhờ “chạy thành tích” mà được công nhận các danh hiệu thi đua, rồi từ các thành tích, danh hiệu đó, lại tiếp tục “chạy” hết chức này đến chức khác.
Tình trạng chạy chức càng trầm trọng hơn khi các đối tượng không chỉ “chạy” cho mình mà khi đã tìm được “chỗ đứng” còn “chạy” cho cả những người thân quen, “chạy” để tạo ra “lợi ích nhóm”...
Chính vì thế mà dư luận đặc biệt quan tâm và hoan nghênh việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ (CTCB) và chống chạy chức, chạy quyền. Nhiều người cho rằng quy định này như một thứ vắc-xin hữu hiệu phòng ngừa căn bệnh chạy chức, chạy quyền trong xã hội hiện nay.
Quy định số 205-QĐ/TW có những điều khoản rất cụ thể về việc kiểm soát quyền lực trong CTCB đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị và người đứng đầu, người tham mưu, đề xuất của các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện CTCB.
Quy định nêu rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân; quy trình, thủ tục, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch trong từng khâu về CTCB; công tác giám sát và xử lý các sai phạm…
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền phải bị xử lý kỷ luật.
Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là trước thềm đại hội đảng các cấp, việc tạo ra “vắc-xin” ngừa chạy chức, chạy quyền là rất cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là phải đưa thứ “vắc-xin” này vào cuộc sống để các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể cán bộ công chức phải được “tiêm phòng”.
Muốn vậy, cần phải làm tốt công các thông tin tuyên truyền để quy định quan trọng này đến được rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Cần phát động phong trào nói không với nạn chạy chức, chạy quyền trong xã hội.
Có cơ chế bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác.
Mặt khác, cần phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội cũng như các cơ quan báo chí trong hoạt động giám sát việc chạy chức, chạy quyền.
Để chống “chạy chức”, giải pháp quan trọng mà Quyết định số 205-QĐ/TW đưa ra là phải công khai, minh bạch trong CTCB. Bởi đây là yếu tố quan trọng nhất để bảo đảm bộ máy trong sạch, đảm bảo quyền lực được trao đúng người và giám sát cán bộ trong quá trình thực thi quyền lực.
Vì thế, rất cần cơ chế công khai, khách quan, minh bạch trong thi tuyển cạnh tranh, tạo cơ hội cho tất cả ứng viên trình bày chương trình hành động về vị trí công việc, cá nhân nào đáp ứng được yêu cầu thì sẽ được lựa chọn.
ĐỖ PHÚ THỌ