Chấn chỉnh hạn chế trong đầu tư công

08/08/2023 10:05

Số tiền nợ đọng lớn, tỷ lệ giải ngân chưa cao, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa sát tình hình thực tiễn... là những hạn chế nổi cộm trong công tác đầu tư công.


6 tháng đầu năm nay, Hải Dương chỉ giải ngân được 1.338 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 19,1% kế hoạch vốn thanh toán (ảnh minh họa)

Hiện nay, số tiền nợ đọng trong đầu tư công tại Hải Dương còn lớn, nhất là ở cấp xã. Thực trạng nợ công đã được Tỉnh ủy chỉ ra qua cuộc giám sát gần đây về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn.

Theo đó, nợ đầu tư công lũy kế đến ngày 31.12.2022 tại Hải Dương là khoảng 2.855 tỷ đồng, trong đó cấp xã gần 2.399 tỷ đồng, cấp huyện hơn 456 tỷ đồng. Từ năm 2020-2022, số nợ công tăng dần và đến hết năm 2022 đã tăng khoảng 920 tỷ đồng (tăng 47,5%) so với thời điểm hết năm 2020.

Thời gian qua, nhiều xã đầu tư các dự án, công trình để hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, song chỉ trông chờ vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất. Khi thị trường bất động sản trầm lắng, nguồn thu từ đất không có hoặc không đáng kể dẫn tới nợ đọng lớn. Hiện những xã bị nợ đọng vài chục tỷ đồng không phải là ít.

Ngoài nợ công còn nhiều thì tỷ lệ giải ngân không cao cũng là một hạn chế. Số liệu từ kết quả giám sát về đầu tư công của Tỉnh ủy cho thấy giai đoạn 2020-2022, số vốn đầu tư công chưa giải ngân ở cả 2 cấp huyện, xã là hơn 1.139,3 tỷ đồng, chiếm 8,07% tổng vốn đầu tư đã phân bổ.

Còn theo báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương trình Kỳ họp 16 HĐND tỉnh khóa XVII, trong 6 tháng đầu năm nay, số vốn đầu tư công đã giải ngân 1.338 tỷ đồng, chỉ đạt 19,1% kế hoạch vốn thanh toán và 21,8% kế hoạch vốn đã phân bổ chi tiết. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp đã ảnh hưởng không nhỏ tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm nay (tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,23% so với cùng kỳ năm trước).

Thực tế cho thấy, việc bố trí, phân bổ vốn đầu tư công ở một số nơi chưa bảo đảm nguyên tắc ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công, chưa bố trí đủ vốn hoặc giao vốn hằng năm còn chậm. Việc đầu tư dàn trải, thiếu trọng điểm chưa được khắc phục tốt. Công tác xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm chưa sát tình hình thực tiễn, còn điều chỉnh nhiều lần. Một số địa phương vẫn để chuyển nguồn ngân sách đầu tư công năm trước sang năm sau. Tiến độ thực hiện, việc quyết toán của một số chương trình, dự án chưa đúng kế hoạch.

Nguyên nhân chủ quan dẫn đến những hạn chế trên là do một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt, sâu sát trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đầu tư công. Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước chưa được quan tâm. Năng lực của đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đầu tư công còn hạn chế, nhất là ở cấp xã. Dự báo tình hình kinh tế - xã hội, triển vọng thu ngân sách chưa sát thực tế… Những nguyên nhân chủ quan trên cùng với các yếu tố khách quan như kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, thị trường bất động sản gặp khó khăn… càng làm cho công tác đầu tư công bị tắc nghẽn.

Việc sớm tháo gỡ các điểm nghẽn trong đầu tư công là rất cấp thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 tăng trên 9%.

Từ nay đến cuối năm và thời gian tiếp theo, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị liên quan cần bám sát các chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về đầu tư công, nhất là Kết luận 194-KL/TU ngày 12.7.2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng lớn trong đầu tư công theo hướng xác định rõ tổng nợ đầu tư công của địa phương và xây dựng kế hoạch thanh toán nợ đầu tư công đúng quy định, kiên quyết không để địa phương, đặc biệt là ở cấp xã triển khai chương trình, dự án mới khi chưa có phương án bố trí thanh toán nợ công.

Chỉ đạo việc lập, xây dựng, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, bố trí, cân đối, phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công theo đúng quy định, sát tình hình thực tiễn. Khắc phục việc lập kế hoạch đầu tư công dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm và bố trí, phân bổ vốn không đúng thứ tự ưu tiên theo quy định của Luật Đầu tư công. Chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra về đầu tư công, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Rà soát, bổ sung các cuộc kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng về đầu tư công. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ đầu tư công có đủ năng lực đáp ứng nhiệm vụ…

TUẤN NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chấn chỉnh hạn chế trong đầu tư công