Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc toàn diện liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Xuân Huấn thường xuyên đến Trạm Y tế xã Hưng Đạo để kiểm tra huyết áp và nghe tư vấn, hướng dẫn của y, bác sĩ
Mô hình quản lý, điều trị bệnh tăng huyết áp (THA), đái tháo đường (ĐTĐ) theo nguyên lý y học gia đình góp phần hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh và tử vong sớm tại cộng đồng do mắc những bệnh này. Dự kiến thời gian tới, mô hình tiếp tục được nhân rộng ở những địa phương khác trong tỉnh.
Nguyên lý y học gia đình là chăm sóc toàn diện liên tục, phối hợp và lấy bệnh nhân làm trung tâm, hướng tới dự phòng cho cộng đồng. Mô hình được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích với cộng đồng dân cư bởi chi phí hợp lý, tiện lợi.
Theo Giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường, trong bối cảnh các bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là THA, ĐTĐ đang có xu hướng gia tăng, phần lớn bệnh nhân được phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, chi phí điều trị lớn và hiệu quả hạn chế thì việc quản lý, điều trị theo mô hình nguyên lý y học gia đình là rất cần thiết. Các trạm y tế gần dân nên việc theo dõi, điều trị sát sao hơn. Qua đó, nâng cao năng lực chuyên môn của các y, bác sĩ, chất lượng hoạt động của y tế tuyến cơ sở, giảm áp lực cho các cơ sở y tế tuyến trên.
Huyện Tứ Kỳ được chọn làm điểm của tỉnh thực hiện mô hình quản lý, điều trị bệnh THA, ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình. Huyện hiện có hơn 24.000 người mắc bệnh THA và hơn 5.000 người mắc ĐTĐ. Nhưng mới chỉ có 3.002 bệnh nhân THA (khoảng 12,5%) và 1.509 bệnh nhân ĐTĐ (đạt khoảng 30,2%) được theo dõi, quản lý, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện và các trạm y tế. Trung tâm Y tế huyện Tứ Kỳ đã xây dựng Đề án "Triển khai thí điểm mô hình quản lý, điều trị ngoại trú bệnh nhân THA, ĐTĐ tại các trạm y tế xã, thị trấn huyện Tứ Kỳ giai đoạn 2019-2020".
Xã Hưng Đạo được chọn là nơi đầu tiên triển khai mô hình thí điểm trong huyện. Thực hiện mô hình, các nhân viên y tế thôn được đào tạo, tập huấn về phương pháp thu thập thông tin, cách tư vấn dự phòng, phát hiện sớm bệnh THA và ĐTĐ. Địa phương triển khai truyền thông giáo dục sức khỏe giúp người dân hiểu cách phòng chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh, lợi ích của quá trình điều trị sớm và hậu quả nặng nề của các biến chứng những căn bệnh này.
Trạm Y tế xã khám sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán bệnh THA cho người từ 40 tuổi trở lên; lập sổ quản lý, theo dõi huyết áp cho những người được phát hiện THA hoặc do tuyến trên chuyển về theo dõi. Đồng thời tuyên truyền, tư vấn, vận động những người có yếu tố nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ đến cơ sở y tế tuyến trên khám và làm một số xét nghiệm nhằm phát hiện bệnh sớm. Kết quả đã phát hiện 549 người THA và 123 người mắc ĐTĐ.
Khoảng tháng 5.2019, ông Nguyễn Xuân Huấn (63 tuổi) ở thôn Lạc Dục, xã Hưng Đạo phát hiện mắc THA, sau đó ông đã được quản lý điều trị tại Trạm Y tế xã. Không chỉ lấy thuốc, ông còn thường xuyên đến trạm để kiểm tra huyết áp và nghe y, bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cách điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó trạm trưởng Trạm Y tế xã Hưng Đạo cho biết: "Nhờ có mô hình, đông đảo người dân trong xã được sàng lọc bệnh THA, tư vấn các dấu hiệu nhận biết để đến cơ sở y tế tuyến trên thực hiện một số xét nghiệm nhằm phát hiện bệnh ĐTĐ. Lượng thuốc điều trị bệnh THA đã được cấp nhiều hơn...".
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến tháng 11.2019 đã có 1.200 cán bộ, nhân viên trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều trị bệnh THA, ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình. Sau khóa đào tạo, các học viên được trang bị kiến thức và thực hành kỹ năng phục vụ công tác điều trị, quản lý bệnh.
Ngành y tế đề ra mục tiêu đến năm 2020, có ít nhất 70% số trạm y tế thực hiện dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, quản lý, điều trị bệnh THA và ĐTĐ; ít nhất 70% số người từ 40 tuổi trở lên được đo huyết áp và đánh giá nguy cơ ĐTĐ.
Ông Phạm Mạnh Cường cho biết thêm thực hiện mô hình này không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc của ngành y tế mà rất cần sự phối hợp của người dân trong việc nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa, đẩy lùi bệnh tật. Sau khi triển khai làm điểm ở huyện Tứ Kỳ, Sở Y tế sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng ở những địa phương khác trong tỉnh.
HUYỀN TRANG