Chăm sóc kỹ, trẻ vẫn suy dinh dưỡng

06/11/2017 09:10

Đời sống ngày càng cao, nhiều gia đình có điều kiện hơn trong việc chăm sóc con cái. Nhưng không phải ai cũng biết cách bảo đảm cho trẻ đủ dưỡng chất, phát triển tốt.


Các bà mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ dinh dưỡng phù hợp cho con

Đủ cách chăm con

Từ ngày có con, chị Hoàng Thị Hoài ở khu dân cư số 9, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) dành nhiều thời gian tìm hiểu về cách chăm con. Khi con bước vào giai đoạn ăn dặm, từ kinh nghiệm của các bà, các mẹ đi trước đến những cách chăm con trên mạng đều được chị Hoài áp dụng. Hằng ngày, chị Hoài đi chợ sớm mua xương lợn về ninh lấy nước nấu cháo cho con. Chị cũng thường xuyên bổ sung các loại vitamin, rau, củ, hoa quả cho bé. Nhưng chẳng hiểu sao con trai chị chỉ ăn vài miếng là bắt đầu ngậm thức ăn trong miệng. Vì con ăn được ít cháo nên chị Hoài chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày mà vẫn luôn sợ con bị đói. Theo chia sẻ của chị Hoài thì thời gian biểu hằng ngày của bé khá dày đặc với lịch ăn cháo, ăn hoa quả, uống sữa, ăn sữa chua rồi lại ăn cháo. Được chăm sóc kỹ lưỡng như thế nhưng dù đã hơn 20 tháng, bé nhà chị mới chỉ nặng 9,5 kg (tương đương với tiêu chuẩn cân nặng của những bé 12 tháng tuổi). Sau khi nghe lời khuyên của mọi người, chị Hoài đưa con đi khám thì được các bác sĩ chẩn đoán cháu bị suy dinh dưỡng thể thấp còi, thiếu nhiều dưỡng chất.

Cu Bin con chị Hoàng Thanh Phương ở phố Phạm Xuân Huân (TPHải Dương) cũng bị thiếu chất dù được chăm sóc rất kỹ. Do mẹ ít sữa nên khi cu Bin được 2 tháng tuổi, chị Phương bắt đầu cho con ăn thêm sữa bột. Bé hợp sữa nên tăng cân nhanh và đều. Do không có nhiều thời gian nên chị thường chuẩn bị thức ăn cho con cả một tuần. Thực đơn khá đa dạng và chị không quên bổ sung hoa quả, các loại vitamin khác cho con. Vậy mà con chị Phương thường xuyên ra mồ hôi trộm, khóc đêm, ngủ hay giật mình. Nghĩ con khó ngủ, chị Phương học cách nấu chè sen, gà hầm hạt sen cho bé ăn. Vì có người nhà ở nước ngoài, chị còn nhờ mua giúp các loại thực phẩm chức năng hợp với lứa tuổi của bé. Nhưng cu Bin nhà chị vẫn hay ốm vặt, nhất là khi thay đổi thời tiết. Sốt ruột, chị Phương quyết định cho con lên Viện Dinh dưỡng quốc gia khám. Các bác sĩ chẩn đoán bé nhà chị bị thiếu canxi và cần phải bổ sung thêm một số dưỡng chất khác để tăng khả năng miễn dịch. Lúc đó chị Phương mới hiểu ra trẻ tăng cân đều vẫn có thể thiếu chất: "Thấy con tăng cân đều mình nghĩ là con vẫn phát triển tốt. Đi khám về mới thấy con rơi vào tình trạng thiếu chất. Hóa ra không phải cho con ăn nhiều, uống nhiều là tốt", chị Phương nói.

Phải theo khoa học


4 nhóm thực phẩm chính cần thiết cho cơ thể trẻ

Theo thống kê của Sở Y tế, đến tháng 9 vừa qua, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 11,3% số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. Điều này cho thấy việc chăm sóc con của nhiều gia đình chưa đúng, chất lượng chăm trẻ vẫn chưa đạt yêu cầu.

Bác sĩ dinh dưỡng Trần Văn Thuân tại Phòng khám nhi Tín Đức (TP Hải Dương) cho biết: "Nhiều trẻ thấp còi, biếng ăn được bố mẹ đưa tới khám và xin lời khuyên từ bác sĩ. Hầu hết các trẻ đều thiếu những dưỡng chất cơ bản như canxi, sắt, các loại vitamin như A, B, C, D, ảnh hưởng đến chiều cao, cân nặng và sức khỏe của trẻ. Mặc dù các dưỡng chất này rất cơ bản, có nhiều trong thực phẩm nhưng trẻ vẫn thiếu chất".

Nhiều bà mẹ xây dựng thực đơn đa dạng nhưng không đầy đủ dưỡng chất. Theo kinh nghiệm cũ thì nước dùng từ ninh xương sẽ có nhiều canxi, nhưng trên thực tế nước ninh từ xương lợn, tủy chỉ giàu chất béo, còn lượng canxi không nhiều, không đủ bù đắp cho sự phát triển của trẻ. Một trong những nguyên nhân nữa khiến cho trẻ được chăm nhiều mà vẫn còi chính là do khả năng hấp thụ dưỡng chất của trẻ kém. Dù bữa ăn ngon và chất lượng đến đâu nhưng hệ tiêu hóa của con không hấp thụ được một cách tối đa thì cũng không có tác dụng.

Theo lời khuyên của bác sĩ, các bà mẹ cần bố trí thời gian biểu ăn uống cho trẻ một cách hợp lý, tạo khoảng thời gian cho trẻ chơi, ngủ để bảo đảm lượng thức ăn được tiêu hóa. Không nên bố trí các bữa ăn chính và bữa ăn phụ quá gần nhau, khiến cho trẻ luôn trong trạng thái ngang dạ không muốn ăn hoặc không hợp tác với mẹ trong các bữa ăn. Các mẹ cần thường xuyên thay đổi thực đơn ăn uống hằng ngày, hằng tuần với đầy đủ 4 nhóm chất cơ bản gồm bột đường, béo, đạm, khoáng chất và vitamin tạo sự hấp dẫn trong bữa ăn, giúp con ăn ngon miệng hơn.

Việc bổ sung các chất dinh dưỡng cho con từ các loại thực phẩm chức năng hoặc dạng thuốc phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Tránh việc bổ sung không đúng hoặc bổ sung nhiều gây thừa chất cũng không tốt cho sức khỏe.

Để trẻ hợp tác, bố mẹ cần tạo không khí thoải mái cho bé trong bữa ăn, không nên quát mắng, dọa nạt khiến chúng sợ hãi, khóc, dễ bị nôn trớ. Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước mỗi bữa ăn. Nên cho trẻ tham gia các hoạt động thể chất, giúp đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn của trẻ.


THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chăm sóc kỹ, trẻ vẫn suy dinh dưỡng