Đề tài “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng và đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh phổ thông từ 11 - 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương” của Trường Đại học Thành Đông đã đưa ra nhiều phương pháp cải thiện dinh dưỡng cho học sinh.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, đánh giá với 3.573 học sinh tại 13 trường THCS, THPT trong tỉnh, Trường Đại học Thành Đông - đơn vị thực hiện đề tài “Đánh giá tình trạng dinh dưỡng và đề xuất giải pháp cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh phổ thông từ 11 -18 tuổi trên địa bàn tỉnh Hải Dương” đã đưa ra những giải pháp cải thiện dinh dưỡng cho nhóm tuổi này. Đề tài được Sở Khoa học và Công nghệ nghiệm thu chiều 27/3.
Tính tỷ lệ chiều cao theo tuổi thì 91,32% số học sinh được nghiên cứu có tình trạng dinh dưỡng bình thường; 0,91% suy dinh dưỡng nặng, còn lại là suy dinh dưỡng. Tính theo tỷ lệ BMI thì có 86,17% số em có trình trạng dinh dưỡng bình thường; 2,32% suy dinh dưỡng nặng và 7,84 suy dinh dưỡng. Tỷ lệ thừa cân, béo phì là 3,67%...
Ban Chủ nhiệm đề tài đưa ra một số yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh như: khẩu phần và thói quen ăn uống, trong đó nhiều em ăn ít rau, hoa quả, uống ít sữa, ít luyện tập thể thao, đi ngủ muộn, sử dụng các thiết bị điện tử…
Trên cơ sở đó, Ban Chủ nhiệm đề tài đã đưa ra một số khuyến cáo cải thiện dinh dưỡng cho học sinh như: đưa chỉ tiêu giảm suy dinh dưỡng thấp còi, gầy còm, thừa cân béo phì của học sinh từ 11-18 tuổi là một trong những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tăng cường chính sách hỗ trợ và các quy định pháp luật về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là học sinh từ 11-18 tuổi.
Tăng cường tuyên truyền để phụ huynh, học sinh thấy được tầm quan trọng của việc ăn uống, rèn luyện thể dục, thể thao và chủ động thực hiện. Chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế với ngành nông nghiệp và ngành giáo dục trong triển khai thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng...
PV