Cắt giảm điều kiện kinh doanh

25/10/2017 10:00

<b>Đến thời điểm này, việc Bộ Công thương cùng lúc cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong số hơn 1.200 ĐKKD vẫn làm "nóng" dư luận. </b><br>

Bởi câu hỏi được đặt ra liệu bộ này có thực sự loại bỏ được chừng ấy ĐKKD như đã công bố hay chỉ là hứa suông. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn lo ngại sẽ xảy ra tình trạng cắt chỗ này, phình chỗ kia nếu không được giám sát chặt chẽ việc cắt giảm các ĐKKD.

Bộ Công thương cắt giảm ĐKKD là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tế. Bởi có quá nhiều điều kiện mà bộ này đặt ra đã không còn phù hợp, đi ngược với chủ trương tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp mà Chính phủ đã đề ra. Nhiều ĐKKD đã trở nên vô lý, gò bó, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, cắt giảm một số ĐKKD sẽ giúp doanh nghiệp giảm được thời gian, chi phí, tập trung sản xuất, kinh doanh.

Mặc dù vậy, cộng đồng doanh nghiệp lo ngại việc cắt giảm lần này sẽ lại không được thực hiện một cách triệt để. Không ít lần Bộ Công thương tuyên bố cắt giảm ĐKKD nhưng một thời gian sau đó, chính bộ này lại “đẻ” ra nhiều ĐKKD khác để thay thế hoặc bổ sung. Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh gas Hải Dương đã từng phải làm đơn kiến nghị lên Bộ Công thương vì những điều kiện vô lý mà Nghị định số 19 về quản lý kinh doanh gas đặt ra. Ngay tại hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp, doanh nhân được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức ngày 13.10 vừa qua, một số tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh đã thẳng thắn đề nghị được giám sát việc cắt bỏ ĐKKD của Bộ Công thương tại địa phương. Bởi nếu không giám sát việc thực thi cắt giảm ĐKKD sẽ dẫn đến tình trạng “trên cởi, dưới nghẽn”, chỗ quyết liệt, nơi thờ ơ. Doanh nghiệp vẫn phải chịu những rào cản nhất định trong phát triển. Môi trường kinh doanh khó cải thiện.

Cắt giảm ĐKKD, doanh nghiệp mừng nhưng cơ quan quản lý lại lo ngại. Bởi đây là công cụ quan trọng để quản lý doanh nghiệp. Nếu cắt giảm ĐKKD, việc giám sát, quản lý hoạt động doanh nghiệp của cơ quan quản lý nhà nước sẽ khó khăn. Để không ảnh hưởng đến công tác quản lý, Bộ Công thương nên nghiên cứu cách thức quản lý khác, có thể dùng các quy chuẩn, tiêu chuẩn của sản phẩm để kiểm tra chất lượng sản phẩm và đánh giá quy trình sản xuất, thay vì lấy ĐKKD làm công cụ.

Nghị quyết Trung ương V (khóa XII) đã xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước. Chính phủ cũng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Do đó, việc cắt giảm ĐKKD của Bộ Công thương lần này hy vọng sẽ trở thành “phát súng” đầu tiên khởi đầu cho việc thay đổi tư duy quản lý của cơ quan công quyền đối với doanh nghiệp, giúp xây dựng môi trường kinh doanh thân thiện, cởi mở và hiệu quả.

HOÀNH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cắt giảm điều kiện kinh doanh