Đề xuất cắt điện, nước là biện pháp cưỡng chế để xử lý vi phạm hành chính tại điều 86 theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính khiến dư luận hết sức quan tâm.
Một khu nhà xây dựng sai phép tại huyện Bình Chánh - Ảnh: TỰ TRUNG
Trình dự án luật này trước Quốc hội chiều 22.5, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính trình lần này có bổ sung biện pháp cưỡng chế mới là "ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ".
Ý kiến của các đại biểu Quốc hội và ngành điện xung quanh đề xuất mới này.
* Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh):
Cắt điện, nước vì lợi ích chung
Xử phạt vi phạm hành chính là việc cơ quan hành chính nhà nước thi hành chế tài đối với người vi phạm, vì lợi ích công. Quan trọng là việc xử phạt này phải đạt hiệu quả và phải có tính răn đe, nếu không tuân thủ thì tăng nặng dần lên, nặng nhất là chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, với câu hỏi có cần cắt điện, cắt nước đối với người vi phạm hành chính hay không thì tôi cho rằng có thể cần thiết nhưng phải tùy hành vi, đối tượng và loại vi phạm, chủ yếu phải xem có đạt hiệu quả hay không và tác động đến xã hội ra sao.
Ví dụ những chủ đầu tư công trình trái phép hay những cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm, gây mất trật tự, vệ sinh, có nguy cơ cháy nổ… bị phạt nhiều lần vẫn không dừng, không sửa thì có thể cắt điện, nước. Còn cắt điện, nước đối với những khu dân cư đông người, những khu lao động thu nhập thấp, hay gây ảnh hưởng đến trường học, bệnh viện... phải cân nhắc về tác động và hiệu quả.
Về câu hỏi "việc cung cấp điện, nước là quan hệ dân sự, cơ quan xử phạt hành chính có quyền đụng đến hay không?", theo tôi là có, tùy trường hợp. Như đã nói, xử phạt hành chính là nhân danh lợi ích công để chế tài những kẻ vi phạm gây thiệt hại cho người khác, cho xã hội.
Vì vậy, khi cần thiết, Nhà nước có quyền đình chỉ các quan hệ dân sự của những người vi phạm để hạn chế thiệt hại và buộc chấm dứt hành vi vi phạm. Tất nhiên, điều này phải được quy định bằng luật và cần cụ thể để chống lạm quyền.
* Ông Bùi Trung Kiên (Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh):
Cần có những quy định cụ thể
Hiện nay, ngành điện chỉ cắt điện với những trường hợp có quyết định cưỡng chế để bảo đảm an toàn cho người thi hành công vụ, còn với những trường hợp khác sẽ không cắt điện. Chúng tôi là đơn vị bán điện nên về nguyên tắc giữa doanh nghiệp với khách hàng là giao dịch dân sự. Do đó, nếu sử dụng doanh nghiệp kinh doanh điện như một "công cụ" trong xử lý vi phạm hành chính, theo tôi, là không nên.
Tuy vậy, do là doanh nghiệp nhà nước nên ngành điện cũng sẵn sàng hỗ trợ việc thực thi luật pháp, nếu yêu cầu ngành điện thực hiện, chúng tôi sẵn sàng chấp hành nhưng cần phải có những quy định rõ ràng, cụ thể.
* Đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh):
Không nên cào bằng
Tôi cho rằng nên xem việc cắt điện, nước là biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm thay vì biện pháp cưỡng chế. Cắt điện, nước là biện pháp ngăn chặn hữu hiệu khi một cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm vẫn tái diễn vi phạm nhiều lần.
Còn xét ở khía cạnh khác, nếu điện, nước do các doanh nghiệp tư nhân cung cấp theo giao dịch thỏa thuận dân sự thì Nhà nước làm sao áp các biện pháp hành chính để ép doanh nghiệp cắt điện, nước. Do đó, tôi cho rằng nên xem đây là biện pháp ngăn chặn và tùy từng đối tượng vi phạm mới áp dụng cắt điện, nước, không thể cào bằng để áp dụng chung cho mọi trường hợp.
Theo Tuổi trẻ