Cán bộ, đảng viên, nhân dân Hải Dương vô cùng thương tiếc, cảm phục tấm gương sáng ngời của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Xúc động nghẹn ngào
Từ khi biết tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, không khí trong nhiều gia đình ở Hải Dương chùng xuống, thiếu vắng hẳn những tiếng cười. Dẫu biết rằng sinh tử là quy luật của tạo hóa, không ai tránh được nhưng lúc nhận được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, ông Phạm Quang Học, sinh năm 1950 ở thị trấn Nam Sách cho biết vợ chồng ông như mất đi một người thân. “Tôi cảm nhận được sự mất mát không chỉ của riêng mình. Dù chưa một lần được gặp Tổng Bí thư nhưng qua mỗi bài phát biểu, từng cuốn sách của đồng chí tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính yêu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
Từ hôm nghe Bộ Chính trị thông báo tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Bùi Quang Thành 76 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng ở thôn 1, xã Thanh Xá (Thanh Hà) thường xuyên đọc báo, xem tivi để cập nhật thông tin. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành chia sẻ bản thân có nhiều tình cảm đặc biệt với đồng chí Tổng Bí thư. Ông Thành sinh ngày 14/4/1948, có cùng ngày sinh với Tổng Bí thư, được kết nạp vào Đảng cùng thời gian tháng 12/1967 với đồng chí Tổng Bí thư. “Nhiều năm qua, mỗi khi Tổng Bí thư có bài phát biểu quan trọng ở bất cứ hội nghị, buổi gặp gỡ nào hay những chỉ đạo, bài viết của Tổng Bí thư tôi đều đọc, theo dõi. Qua cách chỉ đạo, nói chuyện của Tổng Bí thư tôi cảm nhận được sự thân mật, ân tình, gần gũi của một người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Giờ tuổi cao, chỉ tiếc là tôi không đủ sức khỏe để lên thủ đô Hà Nội đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư”, ông Thành nghẹn ngào nói.
“Bác đã đi rồi bác Trọng ơi!/ Quốc tang mây thảm dạ khôn nguôi/ Trời Nam vĩnh biệt người rơi lệ/ Sử Việt ngàn năm đức để đời”. Đây là những câu thơ Thượng tọa Thích Thanh Vân, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Hải Dương viết như nén tâm nhanh tiễn đưa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. “Đối với Đảng, Nhà nước và mọi người dân Việt Nam, Tổng Bí thư là một chính trị gia, một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhà văn hoá, nhà tư tưởng lớn, là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tôi thấy ở Tổng Bí thư hội đủ các yếu tố trí đức vẹn toàn, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Những điều này đồng chí thể hiện ở từng cử chỉ, lời nói, hành động và xuyên suốt đến tận những giây phút cuối đời. Tổng Bí thư về cõi vĩnh hằng thực sự là một tổn thất to lớn với đất nước ta”, Thượng tọa Thích Thanh Vân bồi hồi chia sẻ.
Tấm gương mãi sáng ngời
Sinh thời, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có 2 lần về thăm, làm việc, chúc Tết tại Hải Dương trên cương vị Chủ tịch Quốc hội vào các năm 2008 và 2009. Những chuyến công tác của đồng chí đều để lại ấn tượng tốt đẹp với nhân dân, cán bộ tỉnh nhà. Lần đồng chí Tổng Bí thư về dự ''Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc'' thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong (Ninh Giang) vào sáng 14/11/2009, nhân kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam trở thành một dấu ấn đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Giang. Đồng chí Phạm Văn Khảnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Ninh Giang nhớ lại: “Hôm ấy, giữa người lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ, đảng viên, nhân dân dường như không có khoảng cách. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất chân thành, tình cảm và gần gũi, thăm hỏi nhân dân, các cụ già, cháu thiếu nhi, phụ nữ... Chỉ bằng những hành động đơn giản như vậy đã thấy rõ một nhân cách lớn ẩn sâu bên trong hình ảnh một người lãnh đạo bình dị và gần gũi. Khi ấy, tôi đang giữ chức vụ Trưởng Ban Tổ chức Huyện uỷ nên đặc biệt chú ý đến những lời chỉ đạo, dặn dò của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt lời căn dặn phải xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh”.
Theo một đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh kể lại, năm 2020 đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận lời về thăm Hải Dương vào dịp tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Tuy nhiên, khi chuẩn bị diễn ra Đại hội thì bùng phát dịch Covid-19, sức khỏe của đồng chí Tổng Bí thư không được tốt, công việc bộn bề nên đồng chí không thể về thăm. Khi đoàn lãnh đạo tỉnh Hải Dương lên gặp Tổng Bí thư tại phòng làm việc để báo cáo công tác tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí đã chỉ đạo, định hướng, dặn dò rất tâm huyết, kỹ lưỡng. Không về dự Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí Tổng Bí thư đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hải Dương cũng nhiều lần được làm việc với đồng chí Tổng Bí thư để xin ý kiến chỉ đạo về các công tác quan trọng của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Quang Phúc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết: “Lần giở lại những trang tư liệu chúng ta bắt gặp hình ảnh giản dị, thân thương, hoà mình cùng quần chúng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng. Những ý kiến chỉ đạo của đồng chí đến nay vẫn còn giá trị. Đồng chí đề nghị tỉnh Hải Dương thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; triển khai hiệu quả Cuộc vận động ''Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh'', xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Đồng chí chỉ đạo chú trọng tới chất lượng tăng trưởng kinh tế, quan tâm thích đáng công tác bảo vệ môi trường, thu hút đầu tư có chọn lọc…”.
Theo đồng chí Trần Đức Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc và có đóng góp to lớn cho dân tộc, cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng chí đi xa là một mất mát vô cùng to lớn cho Đảng, cho đất nước. "Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hải Dương mãi mãi ghi nhớ, tiếp tục thấm nhuần những tư tưởng chỉ đạo sâu sắc, đạo đức cách mạng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quyết tâm hiện thực hóa những mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc, nâng tầm cơ đồ, uy tín, vị thế đất nước", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh.
PV