Thấy vợ chuẩn bị đi chợ, ông Bân dặn:
- Bà mang kha khá tiền đi, mua thực phẩm về trữ tủ lạnh để tránh ngày nào cũng phải đi. Mà tốt nhất là ra ngay cửa hàng tiện lợi đầu phố mình mà mua, đắt hơn ngoài chợ tý nhưng đỡ sợ.
- Ơ hay, bình thường ông lúc nào cũng thích phải thực phẩm tươi, mua ngày nào ăn ngày ấy cơ mà, sao tự dưng hôm nay lại muốn tích trữ vậy?- bà Linh thắc mắc.
- Dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, mà tôi nghe thông báo mấy trường hợp mắc bệnh gần đây đều đi chợ Con, chợ Bắc Kinh. Trước đó thì có người mắc do đi chợ Đông Ngô Quyền. Đến khi bị bệnh, người ta truy vết họ cũng chỉ nhớ mang máng mua ở chỗ này, chỗ kia.
- Kể cũng khó mà nhớ được ông ạ. Như tôi nếu mua ở chợ cóc gần nhà mình thì còn biết tên mấy cô, bác bán hàng, nhưng từ hôm dịch quay trở lại, chợ bị dẹp rồi. Giờ ra mấy chợ kia không quen biết ai, mà thường cũng chỉ hỏi giá cả chứ mấy khi hỏi tên người bán làm gì.
- May mà họ dẹp mấy cái chợ cóc đi đấy. Dịch dã thế này mình phải mua bán ở chợ được cấp phép, có ban quản lý chợ đàng hoàng, họ còn có chốt kiểm soát người ra vào, đo thân nhiệt, khai báo y tế. Khi cần truy vết còn tìm được chứ bà.
- Ối dào, khai báo y tế có chỗ cũng hình thức lắm ông ạ. Có khi họ ngồi ghi thông tin khai báo y tế của người vào chợ nhưng không đối chiếu, kiểm tra, nhỡ phải người không trung thực thì chả biết đằng nào mà lần.
- Kiểm tra kiểu gì được?
- Ví dụ khi họ cung cấp số điện thoại thì bấm gọi luôn thử xem số cung cấp có đúng không. Tên tuổi thì kiểm tra giấy tờ tùy thân.
- Thế thì mất thời gian lắm. Theo tôi tốt nhất là khôi phục lại việc cấp thẻ đi chợ. Thẻ do khu dân cư phát tới từng hộ nên cán bộ khu nắm rõ nhất thông tin về tên tuổi, địa chỉ. Phường nào cũng có chợ nên dân phường nào đi chợ phường đó. Thế mới dễ kiểm soát.
- Ông nói phải. Làm thế mất thời gian một chút nhưng lại yên tâm.
KIM THANH