Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn khẳng định tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, là tiêu chuẩn để phân biệt Đảng Cộng sản với các đảng phái khác, phủ nhận nguyên tắc này là phủ nhận Đảng từ bản chất.
Tập trung dân chủ là sự lãnh đạo tập thể trên cơ sở khai thác triệt để trí tuệ của tập thể đảng viên, bao gồm tập trung và dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung nghĩa là: có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương”.
Thực tế hiện nay, trong quá trình hoạt động của các tổ chức đảng đã có những biểu hiện lợi dụng, làm biến dạng nguyên tắc tập trung dân chủ của những nhóm người hoặc cá nhân vì lợi ích riêng.
Biểu hiện thứ nhất là dùng nguyên tắc tập trung dân chủ làm “chiêu bài” để áp đặt sự thống nhất tư tưởng nào đó của cá nhân lãnh đạo, làm ra vẻ tôn trọng dân chủ, nhưng thực chất là áp đặt bằng số đông của phe cách, để buộc số ít phải tuân theo và chịu sự lãnh đạo của họ, làm điều sai trái. Cho nên đã làm cơ sở cho các thế lực thù địch phủ nhận bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ rằng: tập trung quan liêu và dân chủ vô chính phủ là bản chất của nguyên tắc tập trung dân chủ, là vấn đề thuộc về bản chất của Đảng Cộng sản.
Thứ hai, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo chủ chốt không gương mẫu, cá nhân chủ nghĩa, cố tình thực hiện sai nguyên tắc tập trung dân chủ; công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều tổ chức đảng bị buông lỏng, việc thi hành kỷ luật đối với những sai phạm chưa nghiêm túc, dẫn đến tình trạng coi thường kỷ cương, kỷ luật. Một số cấp ủy, tổ chức đảng thiếu tôn trọng và không phát huy quyền làm chủ của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới; có những trường hợp vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng đã bị xử lý thời gian qua của một số cán bộ lãnh đạo các cấp. Đây là cơ sở để các thế lực thù địch cho rằng nguyên tắc tập trung dân chủ chỉ đúng trên lý thuyết, chứ trong thực tế không được thực hiện, càng thực hiện thì hiện tượng chuyên quyền độc đoán trong bộ máy lãnh đạo càng nhiều.
Thứ ba, việc cố tình phá vỡ tính chỉnh thể hữu cơ của nguyên tắc tập trung dân chủ dưới hình thức lúc thì khuếch đại tập trung khi thì cường điệu dân chủ và ngược lại. Làm cho tập trung bị biến dạng thành độc đoán gia trưởng, còn dân chủ thì biến thành của riêng để ban phát ân huệ cho cấp dưới, buộc người ta phải quỵ lụy làm theo, đó là thứ dân chủ hình thức. Những biểu hiện lợi dụng nguyên tắc tập trung dân chủ như vậy đã làm biến dạng nguyên tắc, là kẽ hở cho kẻ thù xuyên tạc chống phá rất nguy hiểm.
Thứ tư, dùng thủ doạn núp sau dân chủ nhằm cát cứ, biến tổ chức đảng ở địa phương, cơ quan, đơn vị thành lãnh địa riêng, tách khỏi hệ thống, tùy tiện, thiếu ý thức tổ chức kỷ luật, báo cáo không trung thực. Qua đó dẫn đến hiện tượng trên có luật thì dưới có lệ, trên có chính sách thì dưới có đối sách, tạo ra tình trạng trên bảo dưới không nghe, không thực hiện hoặc là thực hiện sai. Đây là tình trạng vô ý thức tổ chức kỷ luật, vô chính phủ rất nguy hiểm, kìm hãm và triệt tiêu sự phát triển của dân chủ chân chính, đồng thời kiềm tỏa và phá vỡ tập trung chân chính, một dạng vi phạm và làm biến dạng nguyên tắc tập trung dân chủ.
Những biểu hiện nêu trên là rất nguy hiểm, đã lợi dụng, vi phạm, làm biến dạng nguyên tắc tập trung dân chủ để mưu cầu lợi ích cá nhân, trở thành những kẻ phản bội Đảng và nhân dân. Thực tế ở Liên Xô cũ, các nước Đông Âu, những kẻ phản bội Đảng đều bắt đầu tìm cách phủ nhận nguyên tắc tập trung dân chủ trong xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng. Cho nên phải nhìn sâu vào bản chất của những biểu hiện trên mà cảnh giác với những âm mưu, thủ đoạn, những khuynh hướng tự phát, tự do vô chính phủ, chia rẽ, phá hoại Đảng từ trong nội bộ.
ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN
Nguyên Phó Trưởng Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh