Em không sinh ra và lớn lên ở đất Tổ Hùng Vương nhưng đó là quê hương của bố em. Mỗi khi mọi người hỏi về quê quán em đều rất tự hào nói rằng: Phú Thọ là quê hương em đấy.
Em không sinh ra và lớn lên ở đất Tổ Hùng Vương nhưng đó là quê hương của bố em. Mỗi khi mọi người hỏi về quê quán em đều rất tự hào nói rằng: Phú Thọ là quê hương em đấy.
Quê hương em có Đền Hùng nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cao chót vót là cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Hằng năm, cứ mùng mười tháng ba, con cháu Lạc Hồng ở bốn phương đất nước lại tụ hội về ngày Giỗ Tổ và thưởng thức phong cảnh tuyệt đẹp của Đền Hùng. Khu vực Đền Hùng là cả một rừng cây tươi tốt, là nơi tụ hội của các loài cây của vùng nhiệt đới, với nhiều tầng cây cao thấp mướt xanh. Tầng trên cùng là những cây chò chỉ cao chót vót, tầng dưới thấp hơn là những cây đa, cây si cổ thụ buông những chiếc rễ phụ to, dài tạo thành những tòa lâu đài cổ kính rất hấp dẫn trẻ con chúng em. Lần nào được về quê, em cũng cùng em trai chui sâu vào các "lâu đài" bí ẩn này để vui chơi và khám phá những điều kì thú. Tầng dưới nữa là những cây ăn quả, cây lấy gỗ tỏa bóng mát xum xuê. Tầng cuối cùng là những loại dây leo và những cây dương xỉ… tạo thành một lớp thảm nhung xanh đẹp tuyệt vời khiến những người đi trong rừng cây thấy như mình đang đi trong những khu rừng cổ tích.
Đền Hùng có bốn đền chính là Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng và Đền Giếng. Trong bài tập đọc “Phong cảnh đền Hùng”, khi đứng trên Đền Thượng nhìn ra xung quanh, tác giả Đoàn Minh Tuấn đã viết: “Bên phải là đỉnh Ba Vì vòi vọi, nơi Mị Nương – con gái Hùng Vương thứ 18 – theo Sơn Tinh về trấn giữ núi cao. Dãy Tam Đảo như bức tường xanh sừng sững chắn ngang bên trái đỡ lấy mây trời cuồn cuộn. Phía xa xa là núi Sóc Sơn, nơi in dấu chân ngựa sắt Phù Đổng, người có công giúp Hùng Vương đánh thắng giặc Ân xâm lược. Trước mặt là Ngã Ba Hạc, nơi gặp gỡ giữa ba dòng sông lớn tháng năm mải miết đắp bồi phù sa cho đồng bằng xanh mát". Sự quan sát của tác giả thật vô cùng tinh tế và có lẽ đây là những câu văn giàu hình ảnh, sinh động nhất về cảnh đẹp của Đền Hùng mà em được đọc cho đến lúc này. Riêng em, em yêu lắm đồng ruộng phì nhiêu nơi đây bởi nhờ có những sản vật từ đất đai, từ bàn tay cần cù của người dân lao động Phú Thọ đã nuôi nấng biết bao nhân tài cho đất nước.
Về với Đền Hùng, mọi người thường đến thăm lăng của các Vua Hùng ẩn hiện trong rừng cây xanh gần Đền Thượng để tỏ lòng thành kính với các bậc tiền nhân đã dựng xây nên non nước ngàn đời nay. Muốn hiểu biết về thời đại các Vua Hùng, ta vào Bảo tàng Hùng Vương, nơi lưu trữ nhiều cổ vật vô giá. Ngay phòng đầu tiên, ta sẽ thấy chiếc trống đồng lớn và nhiều chiếc trống đồng nhỏ với các hình hoa văn đặc sắc thể hiện các nét văn hóa truyền thống của dân tộc ta thời cổ xưa. Ở đây còn có nhiều cổ vật như lưỡi rìu, lưỡi cày, mũi tên, vòng đeo tay, tượng trâu, bò... bằng đá, bằng đồng cùng nhiều tranh vẽ về những hoạt động của con người thời đó.
Hằng năm, vào ngày Giỗ Tổ, nhân dân ta và các du khách nước ngoài tụ họp về đây tham gia lễ rước kiệu, lễ dâng hương, lễ dâng bánh chưng, bánh dày tưởng nhớ công đức của các Vua Hùng và thưởng thức nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của người dân Phú Thọ với những hội đua thuyền, hội hát xoan…
Đền Hùng thực sự là một di tích lịch sử, là một danh lam thắng cảnh không chỉ của quê hương em mà của cả nước Việt Nam ta. Em mong muốn tất cả mọi người dân Việt Nam cùng chung tay bảo vệ, giữ gìn và xây dựng đất nước Việt Nam nói chung và khu di tích lịch sử Đền Hùng nói riêng ngày thêm tươi đẹp để thực hiện lời Bác Hồ đã từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
THU HUYỀN(Nhóm bút Hương Hoàng Lan, thị trấn Cẩm Giang)