Bình luận

Căng thẳng cuộc đua vào vị trí đại diện cấp cao về đối ngoại EU

T.H (theo báo Tin tức) 08/06/2024 19:00

Các ứng cử viên nặng ký đang cạnh tranh để trở thành nhà ngoại giao trưởng tiếp theo của Liên minh châu Âu (EU), coi vai trò này là một cơ hội chiến lược để nắm giữ quyền lực khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba.

Chú thích ảnh
Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell phát biểu trước Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 24/4/2024

Đại diện cấp cao của Liên minh về chính sách an ninh và đối ngoại, đồng thời là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu chủ trì các cuộc họp thường kỳ của 27 bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng và phát triển của EU, nhưng cũng đại diện cho EU tại các cuộc họp cấp bộ trưởng G7 và G20. Hiện tại, vai trò này do ông Josep Borrell của Tây Ban Nha nắm giữ, người sắp mãn nhiệm.

Nhưng bất chấp chức danh lớn, các nhà phê bình cho rằng vị trí này có ít quyền lực trên thực tế. Trong khi các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia thường đóng vai trò quan trọng thì EU ít dựa vào đại diện cấp cao EU về đối ngoại và an ninh (HRVP) hơn, mà thay vào đó dựa vào Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Tuy nhiên, một số chính trị gia từ các nước thành viên EU nhỏ vẫn thấy được giá trị của cương vị đó. Các nước vùng Baltic, như Estonia, muốn có tiếng nói lớn hơn trong chính sách đối ngoại của EU, đặc biệt là cách tiếp cận cứng rắn hơn trong quan hệ tương lai với Nga. Những người khác gần kết thúc sự nghiệp chính trị trong nước muốn kéo dài vị thế của mình bằng cách gia nhập bộ máy EU.

Tại một hội nghị ở Florence hồi đầu tháng này, ông Borrell đã tránh trả lời bất kỳ câu hỏi nào về người mà ông cho là phù hợp để kế nhiệm mình. Với việc ông Borrell sắp kết thúc nhiệm kỳ trong cuộc cải tổ các vị trí hàng đầu sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, một số cựu lãnh đạo chính phủ ở EU đã tham gia cuộc đua vào vị trí này.

Nếu vị trí này thuộc về một trong số họ, thì đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2009, sẽ thuộc về một cựu nguyên thủ quốc gia. Điểm khác biệt nữa so với trước đây là vị trí này luôn nằm trong tay các nước lớn (Anh, Italy và Tây Ban Nha). Việc lần này người chiến thắng có thể đến từ một quốc gia nhỏ hơn được nhiều nhà ngoại giao coi là một diễn biến tích cực vì các quốc gia lớn hơn thường có các chương trình nghị sự lớn hơn. Dưới đây là một số ứng cử viên tiềm năng nhất cho cương vị HRVP:

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas: Bà là người được nhắc đến nhiều nhất ở Brussels cho cương vị này. Ba quan chức Pháp có liên trực tiếp với các cuộc đàm phán về HRVP trong tương lai đã xác nhận với Politico rằng, Văn phòng Tổng pháp đang ủng hộ bà Kallas kế nhiệm ông Borrell. Nhưng cả ba cũng cho biết Tổng thống Pháp vẫn để ngỏ các lựa chọn của mình.

“Có sự đồng cảm sâu sắc giữa Tổng thống Macron và Thủ tướng Kallas. Bà ấy rất được quý mến và họ có quan điểm giống nhau”. Tổng thống Pháp đã ủng hộ đề xuất của bà Kallas về việc thành lập quỹ công nghiệp quốc phòng.

Một quan chức cấp cao ở Đông Âu cũng cho biết đã có xác nhận từ những người đồng cấp Estonia về việc ông Macron ủng hộ bà Kallas hơn. Thủ tướng Kallas đã đến Paris để tham dự hội nghị do Tổng thống Pháp chủ trì về viện trợ Ukraine vào tháng 2 và một lần nữa vào tháng 5 trong nay. Trong chuyến thăm gần đây nhất, bà ca ngợi bài phát biểu của Tổng thống Macron về tương lai của châu Âu là “rất, rất hay”.

Nhưng bà Kallas còn gặp một số rào cản, khi các thành viên EU ở xa Nga ngày càng mất lòng tin vào những bình luận chỉ trích Moskva của khu vực Baltic. Cũng có lo ngại rằng bà Kallas sẽ tập trung quá nhiều vào Nga mà không chú ý đến phần còn lại của thế giới.

Một nhà ngoại giao ở Nam Âu cho biết: “Tôi thấy hợp lý khi giao cho một người Đông Âu vào vị trí này. Chúng tôi cũng cần một người quan tâm cả về vấn đề châu Phi hoặc Nam Mỹ chứ không chỉ về Nga”.

Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo: Ông là người đang lãnh đạo liên minh 7 đảng đa dạng, khó có thể tiếp tục tại vị sau cuộc bầu cử Bỉ vào ngày 9/6. Ông Croo đã giành được nhiều thiện cảm với những người đồng cấp trong Hội đồng châu Âu và nâng cao vị thế quốc tế của mình trong thời gian qua. Khi Bỉ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, ông đã đến thăm cả Trung Quốc và Mỹ, có các cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Nhưng ông Croo cũng đang gặp khó khăn. Đầu tiên, sẽ rất khó để Bỉ đề cử ông Croo làm ủy viên châu Âu vì đảng của ông có thể sẽ thua trong cuộc bầu cử. Trải nghiệm gần đây của EU với một người Bỉ theo chủ nghĩa tự do, Chủ tịch Hội đồng châu Âu đương nhiệm Charles Michel, không mấy ấn tượng, và các nước Đông Âu dường như không muốn sớm có thêm 1 người Bỉ đảm nhiệm cương vị này.

Cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Bỉ Sophie Wilmès: Tên của bà Wilmès đã bắt đầu được nhắc đến liên quan đến vai trò HRVP.

Bà Wilmès từ chức vào năm 2022 để chăm sóc chồng bị ốm và hiện đang tranh cử trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu, đứng đầu danh sách của đảng Pháp ngữ Mouvement Réformateur. Tuy nhiên, trọng tâm chính của bà là chính trị Bỉ, và các quan chức Bỉ kỳ vọng bà sẽ sử dụng sân khấu châu Âu như một cách để quay trở lại chính trường trong nước, thậm chí có khả năng trở lại làm thủ tướng.

Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski: Ông đang được ủng hộ trở thành ủy viên quốc phòng đầu tiên của EU, nhưng sẵn sàng đảm nhận các công việc khác như HRVP. Những người ủng hộ nói rằng ông Sikorski đã thể hiện mình là một người giao tiếp hiệu quả, kể cả trong lần xuất hiện tại Liên hợp quốc vào tháng 2 vừa qua liên quan đến xung đột Nga - Ukraine.

Nhưng có một trở ngại lớn mà chính trị gia Ba Lan dày dạn kinh nghiệm này phải đối mặt: Ông đến từ nhóm Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) chứ không phải từ nhóm Phục hưng (Renew), nghĩa là ông khó có thể được chọn cho cương vị HRVP nếu bà Leyen hoặc một chính trị gia EPP khác nắm quyền lãnh đạo Ủy ban châu Âu.

T.H (theo báo Tin tức)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Căng thẳng cuộc đua vào vị trí đại diện cấp cao về đối ngoại EU
    ss