Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng càng công khai thì câu chuyện trục lợi, lách luật trong đấu giá càng hạn chế.
Tại phiên thảo luận tổ chiều 8/11, góp ý về Luật Đấu giá tài sản, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã chuẩn rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đại biểu Bùi Văn Cường chỉ ra một số bất cập.
Đại biểu Bùi Văn Cường cho rằng quy định về việc người có tài sản đấu giá xem xét, quyết định, lựa chọn người tham gia đấu giá là không hợp lý, nhất là khi người có tài sản đấu giá là cá nhân thì không thể đi xem xét được mà tổ chức đứng ra tổ chức đấu giá phải xem xét và có điều kiện để sàng lọc. Cần quy định như vậy cho chặt chẽ để những người tham gia đấu giá bảo đảm thực hiện được nghĩa vụ khi trúng đấu giá.
Đại biểu Bùi Văn Cường cũng góp ý vào quy định ở khoản a điểm 19 sửa đổi việc tổ chức hành nghề đấu giá bất động sản phải thông báo công khai ít nhất một lần trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại biểu Bùi Văn Cường đề nghị sửa thành công khai trên báo in, báo hình của Trung ương và cả báo in, báo hình của tỉnh, thành phố cho chặt chẽ và rộng rãi.
“Tôi đề nghị sửa đổi điểm này, đặc biệt là liên quan đến tài sản đấu giá càng công khai, rộng rãi thì càng tốt”, đại biểu Bùi Văn Cường phát biểu ở thảo luận tổ.
Đóng góp ý kiến về Luật Đấu giá tài sản, đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chỉ ra một số quy định còn băn khoăn ở điều 38.
Trong đó có quy định cấm người thân là cha mẹ, vợ chồng, anh chị em ruột trong một số trường hợp không được tham gia đấu giá. Đại biểu Lê Văn Hiệu cho rằng quy định này không hợp lý và nhấn mạnh việc cấm người thân tham gia đấu giá có thể đánh mất quyền của cá nhân người thân của một số người có liên quan đấu giá.
"Như vậy đã không hợp lý rồi nhưng dự thảo luật lại bổ sung thêm một điểm rất trừu tượng là anh chị em ruột, bố mẹ của người có ảnh hưởng đến hoạt động đấu giá cũng không được tham gia đấu giá. Nếu đưa điều này vào, tôi nghĩ sau này không thể cụ thể hóa được", đại biểu Lê Văn Hiệu đánh giá.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương góp ý vào một vấn đề mới trong Luật Đấu giá tài sản là cổng đấu giá tài sản quốc gia. Như báo cáo thẩm tra nêu xu hướng tới đây việc sử dụng đấu giá trực tuyến là phổ biến và chiếm số lượng lớn. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn cho rằng việc này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch và tránh được tiêu cực.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn nêu trong luật cũ chỉ quy định là có doanh nghiệp đấu giá thì được thực hiện thành lập các trang đấu giá trực tuyến mà không quy định cơ quan nhà nước.
“Cái này rất bất cập. Ngay như ở tỉnh Hải Dương, chúng tôi cũng đã đề xuất thành lập một trang của tỉnh và những tài sản mà tỉnh tham gia đấu giá, tỉnh quyết định đấu giá thì sẽ đấu giá trực tuyến thông qua trang này. Tuy nhiên, vì không có cơ chế để làm việc này nên chúng tôi không làm được”, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn thông tin.
Do đó, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đề nghị cho phép thành lập cổng đấu giá trực tuyến của cả các cơ quan nhà nước ở các địa phương.
PV