Tin tức

Quốc hội đề nghị bổ sung chế tài để chống tiêu cực trong đấu thầu

Theo Vietnam+ 08/11/2023 17:03

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét thêm một số điểm của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm giảm thiểu nguy cơ nảy sinh tiêu cực.

Quoc hoi de nghi bo sung che tai de chong tieu cuc trong dau thau hinh anh 1
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Cần xem xét, bổ sung thêm các quy định, chế tài để chống các nguy cơ tiêu cực như thông đồng, lũng đoạn, gian lận trong đấu giá tài sản là đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày trong phiên họp Quốc hội chiều 8/11.

Chặt chẽ pháp lý để chống tiêu cực, lãng phí

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm tiếp tục thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển dịch vụ đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; khắc phục những hạn chế, bất cập, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đa số ý kiến cho rằng hồ sơ của dự án luật đã được Cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, tuân thủ đúng quy trình, yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật vàđủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ xem xét thêm một số điểm của dự thảo luật nhằm giảm thiểu nguy cơ nảy sinh tiêu cực.

Cụ thể, cần bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc quản lý Cổng đấu giá tài sản quốc gia và Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến về việc bảo mật thông tin trong quá trình đấu giá, vận hành quá trình đấu giá, việc lưu trữ thông tin.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban Kinh tế cho rằng việc xác định “nhằm mục đích trục lợi” trong quy định cấm “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá nhằm mục đích trục lợi” là rất khó. Do đó, đề nghị bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” để bảo đảm tính khả thi của quy định.

Để khắc phục tình trạng khách hàng tham gia đấu giá nhưng chưa nộp tiền đặt trước có thể thông đồng, thỏa thuận với nhau và với tổ chức đấu giá để chỉ có một hoặc một vài người đặt tiền trước, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu thêm đối với quy định về thời hạn tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá và thời hạn nộp tiền đặt trước.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về thời gian và chế tài thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá nhằm ngăn chặn tình trạng lũng đoạn, gây rối loạn thị trường. Nếu quá thời hạn mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá. “Trường hợp này cần làm rõ cấp có thẩm quyền hủy kết quả trúng đấu giá, nhất là đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư,” Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Cần nghiên cứu một chương riêng quy định đấu giá trực tuyến

40bb1654-47e5-43fa-9895-ed7b076859ab(1).jpeg
Đồng chí Lê Văn Hiệu (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận tổ về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, chiều 8/11. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Theo Ủy ban Kinh tế, việc nâng tỷ lệ tiền đặt trước tối thiểu lên 10% khi đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (khoản 1a Điều 39), tăng 5% so với các tài sản đấu giá thông thường (mức tiền đặt trước tối thiểu của tài sản thông thường là 5%) sẽ giúp hạn chế tình trạng lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường và trục lợi. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng quy định tỷ lệ tiền đặt trước quá cao dẫn đến những rào cản kỹ thuật, làm mất tính cạnh tranh của cuộc đấu giá.

Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị nghiên cứu điều chỉnh biên độ chênh lệch giữa mức tiền đặt trước tối thiểu và tiền đặt trước tối đa một cách hợp lý, khả thi; cân nhắc quy định khoản tiền đặt trước căn cứ theo quy mô diện tích đất đấu giá hoặc căn cứ theo giá trị của tài sản đấu giá.

Nhận định đấu giá trực tuyến do đây sẽ là hình thức đấu giá phổ biến trong giai đoạn tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị ban soạn thảo luật nghiêm cứu quy định một chương riêng về hình thức đấu giá này nhằm tạo sự minh bạch, công khai, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong hoạt động đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá tài sản công.

Bên cạnh quy định về thủ tục, quy trình đấu giá, các quy định liên quan đến đấu giá viên cũng là một trong những điểm chính của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tác động của việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá đối với một số trường hợp. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Khanh, nếu bỏ quy định về miễn đào tạo sẽ không thu hút được những người có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp, bổ trợ tư pháp tham gia vào hoạt động đấu giá tài sản.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu việc giao Bộ Tư pháp quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, làm rõ việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định có thay thế cho việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hành nghề cho đấu giá viên do tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên thực hiện được quy định tại Điều 21 của Luật Đấu giá tài sản hay không.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng quy định bắt buộc đấu giá viên tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ có thể tạo áp lực cho đấu giá viên và tổ chức hành nghề đấu giá và đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng khuyến khích thay vì bắt buộc như dự thảo Luật.

Báo cáo thẩm tra cũng đề nghị bổ sung quy định về việc đấu giá viên không được đồng thời kiêm nhiệm các chức danh bổ trợ tư pháp khác như luật sư, công chứng viên, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, trọng tài thương mại… nhằm bảo đảm tính chuyên nghiệp của đấu giá viên.

Theo Vietnam+
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quốc hội đề nghị bổ sung chế tài để chống tiêu cực trong đấu thầu