Cần thiết ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

31/05/2022 20:12

Chiều 31.5, thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, một số đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ sự nhất trí với tờ trình của chính phủ về sự cần thiết ban hành luật sửa đổi

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương khẳng định sự cần thiết ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Đại biểu cho rằng thực tế thi hành luật hiện hành lộ rõ những bất cập. Nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn, nhiều hành vi bạo lực gia đình chưa được quy định trong luật trong khi thực trạng bạo lực gia đình còn nhức nhối.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị làm rõ khái niệm "bạo lực gia đình" trong dự thảo Luật Phòng chống Bạo lực gia đình

Theo đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp, tại khoản 1 điều 3 dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi) thì bạo lực gia đình được hiểu là “hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế, tình dục đối với thành viên khác trong gia đình”. Xét quan hệ gia đình căn cứ tại khoản 2, khoản 16 điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì khái niệm này là đúng. Nhưng theo quy định tại khoản 2 điều 4 dự thảo luật thì hành vi bạo lực gia đình còn áp dụng đối với cả đối tượng là “người đã ly hôn”, những người “đã từng có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng”. Theo đó, việc giải thích khái niệm về bạo lực gia đình như tại khoản 1 điều 3 dự thảo không còn phù hợp. Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, chỉnh sửa khái niệm về bạo lực gia đình để bảo đảm tính chính xác, bao quát hết các đối tượng...


Đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc ban hành Luật dân chủ ở cơ sở rất quan trọng và cần thiết

Về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng rất quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, trong dự thảo luật này quy định về ban thanh tra nhân dân chưa kỹ lưỡng. Đại biểu đặt câu hỏi cho tổ chức này vào luật có phù hợp không khi đây là tổ chức tự quản do nhân dân bầu ra. Đại biểu cũng đề nghị cần có đánh giá về hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân nhân để đưa vào luật bảo đảm phù hợp, khả thi. Đại biểu Nguyễn Hải Hưng cũng cho rằng việc quy định thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong khi công đoàn hoạt động còn chưa hiệu quả mà lại có ban thanh tra nhân dân trong tổ chức công đoàn thì không phù hợp...

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cũng đóng góp ý kiến cần làm rõ nhiều nội dung trong dự thảo luật lần này

Các đại biểu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đóng góp nhiều ý kiến đề nghị làm rõ, bổ sung một số nội dung khác trong 2 dự án luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật Phòng chống Bạo lực gia đình

PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Cần thiết ban hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi)