Thông qua phiên chất vấn và giải trình, nhiều nội dung được làm sáng tỏ, trách nhiệm giữa các bên liên quan được phân định rõ ràng.
Sáng 19.5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên chất vấn, giải trình về công tác quản lý nhà nước với 3 bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh, gồm: Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi và Bệnh viện Phổi Hải Dương. Đây thực sự là một phiên chất vấn “nóng”, đáp ứng mong đợi của nhiều đại biểu HĐND tỉnh và cử tri.
Việc chọn chủ đề chất vấn xuất phát từ thực tế công tác quản lý nhà nước với 3 bệnh viện trên còn một số hạn chế, vướng mắc, có bệnh viện có vấn đề khiến người dân bức xúc. Đó là vấn đề tình trạng nhiều y bác sĩ bỏ việc để ra làm tại các bệnh viện tư nhân; các khó khăn, vướng mắc khi thực hiện tự chủ tài chính; trách nhiệm của Sở Y tế trong quản lý nhà nước đối với dịch vụ thuê khoán bên ngoài tại các bệnh viện; tình trạng lãng phí cơ sở vật chất tại bệnh viện… Chủ đề chất vấn được Thường trực HĐND tỉnh chọn lựa thông qua kết quả giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về nội dung này và phản ánh của người dân, báo chí. Việc chọn chủ đề chất vấn như vậy rất kịp thời, sát thực tiễn, đi vào những vấn đề nóng, cử tri quan tâm.
Chỉ diễn ra trong một buổi sáng song phiên chất vấn, giải trình rất sôi nổi. Hơn chục câu hỏi của các đại biểu HĐND tỉnh được đặt ra với những người có trách nhiệm ở UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và Giám đốc 3 bệnh viện. Những câu chất vấn ngắn gọn, sắc sảo, nhiều hàm lượng thông tin, đúng trọng tâm nhằm làm rõ thực trạng, nguyên nhân của vấn đề và trách nhiệm của người được chất vấn.
Do những câu hỏi chất vấn sắc bén nên có người trả lời tỏ ra lúng túng, né tránh, trả lời lan man, không đúng trọng tâm. Đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, 1 trong 3 đồng chí chủ tọa hội nghị phải nhiều lần nhắc, ngắt lời để người trả lời đi thẳng trọng tâm, trả lời vào câu hỏi. Vấn đề về thanh quyết toán tiền bảo hiểm xã hội có sự tranh luận, làm rõ trách nhiệm giữa lãnh đạo một số bệnh viện và người đứng đầu Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Nhiều lúc chủ tọa đặt câu hỏi mang tính truy vấn, buộc người được hỏi phải trả lời vào vấn đề, bộc lộ rõ chính kiến, không được trả lời chung chung.
Thông qua phiên chất vấn và giải trình, nhiều nội dung được làm sáng tỏ, trách nhiệm giữa các bên liên quan được phân định rõ ràng. Chẳng hạn, công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn của Sở Y tế, Sở Tài chính trong thực hiện cơ chế tự chủ với 3 bệnh viện còn chưa sâu sát. Công tác điều hành, quản lý tài chính của các bệnh viện còn lúng túng. Qua chất vấn, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu rút kinh nghiệm nghiêm túc với Ban Giám đốc Bệnh viện Nhi Hải Dương vì cơ sở y tế này được đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ, khá hiện đại nhưng quản lý, sử dụng chưa tốt, chưa phát huy hết hiệu quả, còn để xảy ra việc thuê khoán bên ngoài chưa bảo đảm chất lượng dẫn đến dư luận sự bức xúc…
Nhiều vấn đề vừa mang tính cụ thể, vừa mang tính chiến lược được chủ tọa đề nghị giải quyết. Chẳng hạn, một vấn đề cụ thể như bảo đảm chất lượng bữa ăn cho bệnh nhi và người nhà bệnh nhi; vấn đề có tính vĩ mô, chiến lược như cần có quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở y tế. Có những vấn đề thuộc thẩm quyền trong tỉnh; lại có những vấn đề thuộc thẩm quyền của Trung ương, cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung trong chính sách pháp luật…
Người đứng đầu UBND tỉnh, các sở, ngành, lãnh đạo 3 bệnh viện đã thẳng thắn nhìn nhận rõ những vấn đề đặt ra và có cam kết giải quyết trong thời gian tới.
Một phiên chất vấn đã cho thấy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong hoạt động HĐND tỉnh, thể hiện trách nhiệm với cử tri của Thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh. Thời gian tới, không chỉ Thường trực HĐND tỉnh mà Thường trực HĐND cấp huyện, cấp xã nên mở rộng các phiên chất vấn “nóng” như thế.
TUẤN NGUYÊN (TP Hải Dương)