Cần tạo thói quen chấp hành pháp luật

30/11/2018 10:40

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Xã hội văn minh coi pháp luật là tối thượng, lấy pháp luật làm căn cứ điều tiết các hành vi cá nhân và các quan hệ xã hội, bảo đảm cho xã hội ổn định và phát triển bền vững. 

Để có được xã hội pháp quyền như vậy phụ thuộc vào nhiều yếu tố như có hệ thống luật pháp đúng và đủ; có hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước vững chắc; trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức của người dân đạt tới sự tự giác; các cơ quan thực thi, giám sát thi hành pháp luật nghiêm minh...

Vẫn biết hệ thống luật pháp đúng và đủ có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng hệ thống luật pháp ấy có đến được với người dân không, nhân dân có hiểu biết, có thói quen tự giác thực thi pháp luật hay không mới là vấn đề quyết định. Dù luật pháp có đúng và đủ đến mấy nhưng người dân cứ sống theo kiểu trọng tình, không cần biết đến luật pháp thì xã hội không những không phát triển mà còn rất bất ổn.

Thực tế ở nước ta từ xưa đến nay có thói quen sống trọng tình hơn trọng lý, xử sự quan hệ với nhau lấy tình cảm là chính. Do ảnh hưởng của tập quán, thói quen văn hóa làng xã với đặc trưng là tính cộng đồng, tức là quan hệ thân thiết, vốn trọng tình, ít sử dụng đến luật pháp nên xuất hiện tình trạng coi thường kỷ cương, bất chấp pháp luật. Khi các mâu thuẫn, xung đột xảy ra, người ta không gọi đến pháp luật mà thường tự "xử”. Dân gian ta vẫn nói với nhau “Một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”. Bởi thế nên ở nước ta mới có chuyện “đóng cửa bảo nhau” chứ “vô phúc mới đáo tụng đình”. Mặt khác, thực tiễn thực thi pháp luật không nghiêm và theo kiểu “tranh tối tranh sáng” như hiện nay làm cho một bộ phận người dân không tin vào pháp luật và sự chấp pháp. Người dân ngại đụng đến pháp luật và cơ quan bảo vệ pháp luật, vì chưa tin vào sự công minh, công bằng. Đồng thời, một phần cũng sợ tốn kém nên thường tránh né, ít hợp tác với các cơ quan thực thi luật pháp. Thực tế ở nước ta, còn một bộ phận khá đông người dân thiếu hiểu biết về pháp luật. Đơn cử như khi tham gia giao thông, rất nhiều người dân không hiểu nội dung các biển báo giao thông trên đường sinh ra đi bừa, đi ẩu. Nếu có bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng lại và xử phạt thì chưa biết đúng sai thế nào đã gọi điện thoại cầu cứu người thân hoặc tìm cách xin xỏ.  

Cho nên, cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần thường xuyên phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo cho người dân có thói quen chấp hành pháp luật. Xây dựng được thói quen, nếp sống và làm việc theo pháp luật, người dân sẽ tự giác tuân thủ pháp luật, tự giác tôn trọng pháp luật. Khi có ý thức pháp luật, người dân sẽ tuân thủ pháp luật một cách tự nhiên, tự giác.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải làm cho người dân bỏ dần thói quen tự do, tùy tiện. Một xã hội pháp quyền, nhất là pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì yếu tố pháp quyền phải được coi là tối thượng, là "thần linh". Đó là điều Đảng và Nhà nước ta đang hướng tới để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

ĐẶNG ĐÌNH CHIẾN (Trường Chính trị tỉnh)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần tạo thói quen chấp hành pháp luật