Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập năm nay có gần 22.000 thí sinh dự thi, tăng hơn 2.700 thí sinh so với năm trước nhưng chỉ tiêu tuyển sinh chỉ tăng 700 học sinh.
Toàn tỉnh có hơn 15.000 học sinh đỗ vào các trường THPT công lập, đồng nghĩa với gần 7.000 học sinh không đủ điểm.
Các trường THPT dân lập, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố lại đang phải bước vào cuộc chạy đua “giành giật” học sinh. Nhiều trường THPT dân lập và các trung tâm đang đứng trước nguy cơ thiếu học sinh vì tuyển không đủ chỉ tiêu được giao. Nghịch lý trên đặt ra câu hỏi: Có phải do chúng ta chưa thực sự tích cực phân luồng học sinh sau THCS nên các em chưa tự đánh giá được khả năng để chọn trường phù hợp với bản thân, vừa tránh được áp lực thi cử, vừa tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội?
Việc phân luồng học sinh sau THCS là giải pháp cơ bản để giúp mỗi học sinh chọn trường phù hợp. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đang vấp phải rào cản từ nhận thức, nếp nghĩ của một bộ phận không nhỏ phụ huynh. Không ít phụ huynh không muốn cho con học tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên vì họ cho rằng học nghề ít có tương lai, kể cả khi điều kiện kinh tế gia đình khó khăn. Học sinh khi trượt các trường THPT công lập thường chán nản, bỏ qua các cơ hội học nghề vì xấu hổ, sĩ diện.
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5.12.2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và xóa mù chữ cho người lớn”, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên các huyện, thị xã, thành phố đã tăng cường rà soát, điều tra và lập danh sách phân luồng những học sinh có nhu cầu học nghề, học sinh hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, con gia đình chính sách. Đẩy mạnh thu hút học sinh sau THCS bằng mức học phí thấp, hỗ trợ chi phí học tập, giới thiệu việc làm …
Để việc phân luồng đạt hiệu quả cao, các địa phương cần đánh giá chất lượng đào tạo, liên kết với các Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp xuất khẩu lao động, dự án về đào tạo nghề cho thanh niên, trung tâm ngoại ngữ để mở các mô hình đào tạo du học, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, giới thiệu việc làm. Cùng với đó, tăng cường liên kết đào tạo nghề, đầu tư hạ tầng, phòng học, thiết bị dạy nghề, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên. Thực hiện tốt những biện pháp này sẽ giúp nhiều học sinh thấy rằng vừa học văn hóa bậc THPT vừa học nghề là hướng đi rất tốt nếu kinh tế khó khăn hoặc lực học chỉ ở mức trung bình. Thay vì tốn kém học THPT rồi sau đó học đại học, cao đẳng rồi lại cất bằng đại học, cao đẳng đi để làm công nhân thì học sinh tốt nghiệp các trường nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên có liên kết đào tạo nghề có thể đi làm ngay sau khi tốt nghiệp vì có cả 2 bằng tốt nghiệp THPT và bằng nghề.
Trên cơ sở làm tốt việc phân luồng học sinh sau THCS gắn với dạy văn hóa, dạy nghề sẽ giải quyết được lượng lao động dư thừa, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội, tiết kiệm chi phí đào tạo, nhân lực, chất xám.
BÙI THU HẰNG (TP Hải Dương)