Xã hội

Cần tầm nhìn xa khi thực hiện chính sách đối với người cao tuổi

T.H (theo báo Tin tức) 12/03/2024 13:51

Các địa phương quan tâm bảo đảm nguồn lực thực hiện đầy đủ chính sách đối với người cao tuổi. Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, sáng 12/3.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của công tác kiện toàn bộ máy tổ chức cấp hội người cao tuổi, nhất là từ cơ sở, để chăm sóc, phát huy hiệu quả vai trò của người cao tuổi trong mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội.

Các vấn đề đặt ra đối với người cao tuổi ngày càng trở nên cấp thiết và quan trọng, do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có tầm nhìn xa hơn về cuộc sống, sức khỏe và các vấn đề xã hội đối với người cao tuổi. Điều đó không chỉ thể hiện tính ưu việt của chế độ mà còn là bước chuẩn bị dài hạn để bảo đảm chất lượng dân số bền vững về cơ cấu, độ tuổi và địa bàn sinh sống.

Với kết quả hoạt động toàn diện, cụ thể của công tác chăm sóc, phát huy người cao tuổi năm 2023, Phó Thủ tướng yêu cầu, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, năm 2024, các bộ, ngành, địa phương Hội Người cao tuổi Việt Nam khẩn trương tổng kết, cập nhật nội dung Nghị quyết 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội; trình Bộ Chính trị ban hành nghị quyết về người cao tuổi trong tình hình mới, làm cơ sở xây dựng hệ thống văn bản chỉ đạo, pháp luật, chiến lược căn cơ, bài bản và dài hạn.

Các tỉnh ủy, thành ủy sớm ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện Kết luận số 58-KL/TW của Ban Bí thư về tổ chức và hoạt động của Hội Người cao tuổi Việt Nam (Kết luận số 58), phấn đấu đến hết quý III/2024, 100% các tỉnh, thành phố thành lập hội người cao tuổi cấp tỉnh, huyện.

Cùng với đó, các thành viên Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam tăng cường phối hợp thanh tra, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030.

Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ động phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế phối hợp, tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, tôn vinh người cao tuổi tiêu biểu…; tổng hợp và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả của người cao tuổi; nghiên cứu, đề xuất đổi mới chủ trương, chính sách pháp luật; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế; thực hiện khảo sát, trao đổi kinh nghiệm về công tác người cao tuổi ở nước ngoài.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, hiện cả nước có khoảng 16,1 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 5,4 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; 15 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế... Đến nay, 14 tỉnh, thành phố nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội; 32 tỉnh, thành phố mở rộng đối tượng là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sống cô đơn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.

Công tác bảo vệ, chăm sóc người cao tuổi đạt nhiều kết quả thiết thực: Chúc thọ, mừng thọ cho trên 1,2 triệu người; khám sức khỏe định kỳ cho 4,5 triệu người, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe 3,5 triệu người; tổ chức gần 80.000 câu lạc bộ; 9.950 xã/phường/thị trấn lập Quỹ toàn dân chăm sóc người cao tuổi và Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi cơ sở. Hiện cả nước có trên 7 triệu người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, kinh doanh; gần 734.000 người tham gia công tác Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể…

Tuy nhiên, chính sách trợ giúp xã hội đối với người cao tuổi còn hạn chế, ở mức thấp. Tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo 3,6%, cận nghèo là 11,6%, cao hơn bình quân chung cả nước. Một số địa phương gặp khó khăn trong bố trí nguồn kinh phí khám chữa bệnh định kỳ tại cơ sở cho người cao tuổi; chưa quan tâm, bố trí khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng...

Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam Nguyễn Thanh Bình kiến nghị cần sớm ban hành Nghị quyết phê duyệt Chiến lược quốc gia người cao tuổi đến năm 2030, kịp thời hoàn thiện thể chế, chính sách ứng phó với quá trình già hóa dân số nhanh; xây dựng Đề án nhân rộng mô hình cơ sở chăm sóc người cao tuổi đến năm 2030; Đề án xây dựng mô hình hỗ trợ người cao tuổi tạo việc làm, tham gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, hưu trí xã hội, bảo đảm 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế...

Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi, thảo luận về khó khăn, vướng mắc trong việc xác định mục đích sử dụng đối với diện tích đất dành để xây dựng các trung tâm, cơ sở chăm sóc người cao tuổi; thúc đẩy mạng lưới y tế lão khoa; hỗ trợ người cao tuổi sử dụng dịch vụ, công trình công cộng; chế độ, chính sách dành cho người tham gia hoạt động trong các cấp hội…

T.H (theo báo Tin tức)
(0) Bình luận
Cần tầm nhìn xa khi thực hiện chính sách đối với người cao tuổi