Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm phát triển.
Tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đang diễn ra, vấn đề cải cách chính sách BHXH được đông đảo người dân kỳ vọng sẽ giúp khắc phục những bất cập tồn tại trước đó, nâng tỷ lệ người tham gia BHXH đồng nghĩa với được hưởng lương hưu và tạo sự công bằng hơn trong đóng - hưởng.
Chính sách BHXH được Trung ương đưa ra bàn bạc lần này gia tăng mạnh mẽ các quy định bắt buộc chủ sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động, hạn chế số người về hưu trước tuổi cũng như lĩnh BHXH một lần chứ không lĩnh lương hưu. Điều này xuất phát từ thực tế là nhận thức của người dân về việc tham gia BHXH còn thấp nên mới cần đến nhiều chế tài, quy định để bắt buộc tham gia. Hiện cả nước có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chỉ có 0,3 triệu người tham gia BHXH tự nguyện. Còn ở tỉnh ta con số này là hơn 297.000 và hơn 9.000. Nhiều người đã tham gia BHXH nhưng không chờ đến lúc đủ điều kiện lĩnh lương hưu mà nhận chế độ thanh toán một lần. Nhiều người tìm đủ mọi cách để được về hưu trước tuổi hoặc dừng đóng BHXH ngay khi vừa đủ số năm tối thiểu được hưởng lương hưu. Nhiều người không tin tưởng vào sự ổn định của chính sách BHXH hoặc tầm nhìn còn hạn chế, chỉ tính thu nhập trước mắt mà không phòng bị cho tuổi già.
Những biện pháp đó là cần thiết nhằm tăng số lượng người tham gia BHXH, số người sẽ được lĩnh lương hưu khi đến tuổi, đồng nghĩa giảm bớt gánh nặng chăm sóc người cao tuổi cho xã hội. Nhưng về lâu dài, ngoài những quy định bắt buộc, cần xây dựng một chiến lược tuyên truyền, giáo dục ở tầm quốc gia và lâu dài nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết của việc tham gia BHXH. Khi người lao động thấu hiểu sự cần thiết của BHXH thì họ sẽ có ý thức đòi hỏi, giám sát việc thực hiện quyền lợi này từ phía chủ sử dụng lao động, giảm bớt tình trạng người lao động thỏa thuận với chủ sử dụng lao động không đóng BHXH mà tăng thêm một phần thu nhập trước mắt. Người lao động sẽ không còn tâm lý “gặt lúa non” bằng cách lĩnh BHXH một lần, tìm cách về hưu sớm, chấp nhận mức hưởng lương hưu thấp do thời gian tham gia BHXH ngắn. Số lượng người tham gia BHXH tự nguyện sẽ tăng lên, phát huy được ý nghĩa tốt đẹp của loại hình BHXH này. Việc nâng cao nhận thức, thay đổi tâm lý chung của người dân cần được thực hiện song song với cải cách hành chính và tư vấn về chế độ, chính sách tại các cơ quan BHXH, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giải quyết các thủ tục một cách nhanh chóng. Nếu như các quy định, chế tài là chân trụ cột chính của chính sách BHXH thì sự tự nguyện tham gia của người dân không kém phần quan trọng, tạo thành đôi chân vững chắc cho việc thực thi Luật BHXH.
Việc cải cách chính sách BHXH là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến đời sống đông đảo người dân. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra, bên cạnh sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, rất cần sự đồng hành, ủng hộ của người dân. Mỗi người cần nhận thức được việc tham gia, ủng hộ các chính sách BHXH không chỉ giúp bản thân, gia đình tạo sự ổn định trong cuộc sống mà còn góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
LAM ANH