Sau nhiều tháng ngày mong chờ, ngày 7.9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh room (hạn mức tăng trưởng) tín dụng toàn ngành ngân hàng.
Theo đó, căn cứ trên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành cả năm 2022, một số ngân hàng đã được điều chỉnh tăng room tín dụng.
Theo thông tin từ một số báo lớn như Tuổi trẻ, Lao động… một số ngân hàng được tăng room tín dụng với mức tăng cao nhất khoảng 4%, thấp nhất khoảng 0,7%. Điều này có nghĩa là dòng tín dụng phục vụ thị trường sẽ được “bơm" thêm hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý, nguồn tín dụng tăng thêm này sẽ được từng ngân hàng phân bổ tới chi nhánh ở các địa phương, tùy theo nhu cầu, tình hình hoạt động và một số yếu tố khác. Có nghĩa là sẽ khó có chuyện phân bổ đều room tín dụng tới các chi nhánh. Do đó không phải khách hàng nào cũng được đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng.
Ảnh minh họa
Tại Hải Dương, ngay trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh room tín dụng, việc vay vốn ở nhiều ngân hàng tương đối khó khăn. Nếu ai đó hỏi rằng vay tiền ngân hàng hiện có khó không, câu trả lời phần lớn sẽ là: Khó, không phải ngân hàng không cho vay, mà không còn chỉ tiêu tăng trưởng để cho vay.
Tình trạng cho vay “nhỏ giọt” đã diễn ra từ một vài tháng nay, do đó bản danh sách các doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay vốn ngày một dày. Theo lẽ thường, khi các ngân hàng được nới "van", họ sẽ chọn lọc những khách hàng chất lượng nhất, những khoản vay giá trị nhất để ưu tiên. Thực tế, càng khách hàng lớn, nhu cầu vốn càng nhiều. Do đó rất có thể xảy ra trường hợp khi cấp vốn mới cho một doanh nghiệp lớn thì hàng chục doanh nghiệp nhỏ sẽ “đói”.
Đành rằng doanh nghiệp lớn tạo ra giá trị thặng dư lớn, song đại đa phần các doanh nghiệp trong tỉnh có quy mô nhỏ và vừa. Nên chăng các ngân hàng trong tỉnh cần điều chỉnh hạn mức cho vay với từng doanh nghiệp, tránh tình trạng quá mất cân đối dòng vốn.
Một giải pháp khác các ngân hàng có thể tham khảo, đó là đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn. Có nghĩa là tập trung nguồn tín dụng vào các khoản vay ngắn hạn, tốc độ hồi vốn nhanh. Với doanh nghiệp, đó là những khoản vay bổ sung vốn lưu động, thường trong 3 tháng; với cá nhân, đó là những khoản vay tiêu dùng ngắn từ 1-3 tháng. Cách nữa là đẩy mạnh thu hồi các khoản nợ đến hạn để mở rộng dư địa cho các khoản vay mới. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào khả năng trả nợ của khách hàng. Trong bối cảnh phục hồi sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, tiềm lực tài chính, khả năng trả nợ của nhiều khách hàng đã giảm sút.
Về phần doanh nghiệp, tính toán kỹ lưỡng phương án vay vốn, đa dạng hóa kênh huy động vốn hoặc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh là điều cần làm. Không nên trông chờ hoàn toàn vào nguồn vốn vay ngân hàng, nhất là thời điểm hiện tại.
Một vấn đề khác đặt ra khi nới room tín dụng là lãi suất vay vốn. Theo lộ trình, từ ngày 1.10.2022-30.9.2023, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 37% xuống 34%. Điều này có nghĩa là các ngân hàng muốn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ phải tăng vốn ngắn hạn. Động thái rõ nhất là hàng loạt ngân hàng thời gian gần đây tăng lãi suất huy động. Lãi suất huy động tăng sẽ kéo lãi suất cho vay tăng. Nếu không tính toán kỹ lưỡng, rất có thể nhiều doanh nghiệp sẽ không chịu nổi mức lãi suất mới.
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao Ngân hàng Nhà nước giữ nguyên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 ở mức 14% mà không tính toán để nâng lên, từ đó có thêm điều kiện "bơm" vốn tín dụng? Câu trả lời có lẽ là việc cân bằng giữa 2 mục tiêu: tăng cung tiền giải toả vốn phục hồi kinh tế và kiểm soát lạm phát. Giai đoạn 2009-2011, nhiều ngân hàng đã mất khả năng thanh khoản, lạm phát phi mã do tín dụng tăng trưởng quá "nóng". Điều này không thể để lặp lại.
Khó có khả năng điều chỉnh tăng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng năm nay. Song theo một số chuyên gia, dư địa tín dụng có thể đang được dự phòng từ 1-2% phục vụ nhu cầu phát sinh cuối năm. Do đó nhiều khả năng sẽ còn một đợt điều chỉnh room tín dụng nữa, dù quy mô không lớn.
SONG TƯỜNG