Một số nhà văn gạo cội có kinh nghiệm và thành công trong công tác bồi dưỡng thế hệ viết văn trẻ đã cho rằng trẻ em thời nào cũng thích làm thơ, viết văn.
Trong cơ cấu dân số tỉnh ta, trẻ em nói chung và học sinh từ bậc tiểu học nói riêng chiếm một bộ phận không hề nhỏ. Những năm gần đây, trước sự bùng nổ của các phương tiện nghe nhìn nhưng văn hóa đọc của thiếu nhi vẫn không ngừng phát triển. Ai có dịp qua Thư viện tỉnh đều có thể thấy số bạn đọc đông đảo nhất vẫn là trẻ em, nhất là trong dịp hè. Đáp ứng nhu cầu ấy, Thư viện tỉnh đã cải tạo không gian phòng mượn, phòng đọc, thường xuyên bổ sung các đầu sách phục vụ các cháu. Nhưng nhìn chung số đầu sách ở đây chưa phong phú cả về nội dung lẫn thể loại.
Từ Thư viện tỉnh, dạo quanh các hiệu sách có thể thấy sách văn học cho thiếu nhi trong nước còn ít mà phần lớn là truyện tranh, truyện ngôn tình, truyện dịch của nước ngoài như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Sách trong nước, ngoài nhà văn Nguyễn Nhật Ánh còn rất ít tác giả chuyên tâm viết cho thiếu nhi với những tác phẩm hay, thu hút độc giả. Hiện tượng này cũng đúng khi liên hệ với địa phương. Từ khi thành lập Hội Văn học nghệ thuật tỉnh (năm 1978) đã có Ban Văn nghệ thiếu nhi. Những năm sau đó đã xuất hiện nhiều cây bút viết cho các em như Thùy Dương, Đỗ Thị Hiền Hòa, Nguyễn Siêu Việt, Văn Anh, Đinh Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải Vân… Bên cạnh sách văn học đã có một thời nở rộ truyện tranh giới thiệu về những danh nhân văn hóa, lịch sử trong tỉnh của các tác giả, họa sĩ như Văn Anh, Huy Chương, Khải Hồng, Khúc Hà Linh… phát hành rộng rãi đến các thư viện và trường học. Các hoạt động xuất bản thời kỳ đó đã góp phần nâng cao hiểu biết, kiến thức về văn học và truyền thống của quê hương văn hiến cũng như nâng đỡ tư tưởng, tâm hồn thế hệ trẻ. Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng đã thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng năng khiếu văn nghệ cho thiếu nhi vào những dịp hè. Nhiều học sinh thời đó sau này trở thành các nhà văn, nhà báo có tên tuổi như Nguyễn Thị Việt Nga, Đinh Thu Hiền…
Hiện nay, có nhiều hình thức giải trí nghe nhìn đang lên ngôi, song văn học nghệ thuật chân chính vẫn phải giữ nền tảng chủ đạo và cần đổi mới phù hợp với tâm lý thay đổi của bạn đọc, người xem, nhất là đối với trẻ em. Nhiệm vụ giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước đáp ứng yêu cầu mới rất cần nâng cao hiểu biết, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giới trẻ hướng tới chân - thiện - mỹ. Đó cũng là chức năng của văn học nghệ thuật. Vì vậy, tỉnh nên quan tâm lãnh đạo hơn nữa việc tập hợp, bồi dưỡng một đội ngũ tác giả chuyên tâm sáng tác cho thiếu nhi. Ngoài việc đầu tư, tạo điều kiện cho số tác giả lớn tuổi tập trung sáng tác, xuất bản và phát hành sách, cần tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu văn nghệ trẻ. Đây chính là công việc “ươm mầm”, đòi hỏi kiên trì, công phu và sáng tạo để giúp những mầm non “đủ lớn” có những tác phẩm viết về thế hệ mình có thể đứng được.
Một số nhà văn gạo cội có kinh nghiệm và thành công trong công tác bồi dưỡng thế hệ viết văn trẻ đã cho rằng trẻ em thời nào cũng thích làm thơ, viết văn. Trách nhiệm của chúng ta là phát hiện ra các em có khiếu văn chương thực sự và khích lệ, đưa các bài thơ, mẩu chuyện đó đến bạn đọc nhằm nuôi dưỡng lòng say mê cho các em tiếp tục viết. Hội Văn học nghệ thuật, các cơ quan báo chí, các ngành liên quan đến trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ cần phối hợp tổ chức các cuộc thi viết, vẽ, từ đó chọn ra những tác phẩm xuất sắc xuất bản, phát hành rộng rãi. Đó chính là cách để giúp những cây bút trẻ trưởng thành, phát huy được tài năng văn học nghệ thuật, kế tục lớp người đi trước trong tương lai.
THẾ NGUYỄN (TP Hải Dương)